Kỹ năng xin việc

Sinh viên đang học  »  Kỹ năng xin việc


CV nào gây mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng?

Nhiều bạn sau khi tốt nghiệp đại học, bằng cấp cũng không phải dạng kém nhưng chẳng hiểu sao vẫn trong tình trạng “thất nghiệp”.

Không phải giỏi đã là tất cả!?

Như trường hợp của bạn M.T vừa tốt nghiệp chuyên ngành Truyền thông - PR của trường N.T. Trong khi nhiều bạn trong lớp đã có công việc ngay sau khi tốt nghiệp thì M.T vẫn trong tình trạng “nghỉ ngơi” mặc dù cũng đã gửi CV đi các nơi. Nếu nói về thành tích học tập, M.T không phải dạng kém. Còn xét về hoạt động đoàn thể, bạn ấy cũng tỏ ra khá xuất sắc, cũng là một “cây” hoạt động phong trào năng nổ trong trường.
 
Nhiều bạn tuy rất giỏi nhưng vẫn rơi vào tình trạng thất nghiệp

Chúng tớ đã tiếp cận với M.T và được cô bạn chia sẻ một chút về hành trình xin việc của mình. M.T muốn làm việc trong một công ty thiên về truyền thông – marketing. Sau khi nghiên cứu kỹ các vị trí và công ty tiềm năng, M.T quyết định thảo một CV và nhấn nút gửi đi. Nhưng tuyệt nhiên sau đó, chẳng có một lời nhắn gửi hồi đáp nào từ phía nhà tuyển dụng. M.T sau này phát hiện ra rằng CV của mình khá nhiều lỗi. Có thể vì những lỗi đó, nhà tuyển dụng đã không để ý tới bạn ấy.

CV khó mà dễ, dễ mà khó

CV là tài liệu cá nhân giới thiệu thông tin, trình độ, năng lực chuyên môn của ứng viên với nhà tuyển dụng. N.T tâm sự rằng bạn ấy nghĩ mình có bao nhiêu thông tin thì trình bày hết ra. Thế là một bản thảo dài 3 trang mau chóng được hình thành. Trong đó N.T tự tin thể hiện thành tích học tập của mình một cách rất chi tiết từ năm 1 đến năm 4, kết quả từng năm ra sao. Và đặc biệt, bạn ấy dành hẳn 1 trang để giới thiệu về những hoạt động ngoại khóa, đoàn thể mình đã tham gia.

M.T cũng đã từng đảm nhiệm một vài công việc bán thời gian liên quan tới truyền thông trong lúc còn là sinh viên đại học. Chúng tớ được biết bạn ấy đã cộng tác với nhiều tờ báo dành cho học sinh, sinh viên. M.T cũng từng làm nghiên cứu thị trường cho một dự án về bất động sản. Thế nhưng, M.T lại không dành không gian cho những kinh nghiệm này trong bản CV của mình. M.T nghĩ đó là những việc thời vụ: “Mình đang ứng tuyển vào một vị trí toàn thời gian cơ mà!?”

Bí kíp nằm trong tầm tay

Câu chuyện của M.T được chúng tớ thuật lại với chị Lê Hải Quỳnh - Chuyên viên tuyển dụng và phát triển nhân lực của VietnamWorks.com. Chị Hải Quỳnh cho biết không riêng gì M.T mà nhiều sinh viên khác khi tốt nghiệp đều tỏ ra lúng túng khi viết một CV ứng tuyển. Thực tế hầu hết các sinh viên đều không được trang bị những kiến thức cơ bản về quá trình xin việc khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Và điều này cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những trường hợp như M.T nói trên. Chị Hải Quỳnh cho rằng bạn ấy đã mắc một số lỗi khá cơ bản:
 
Chị Lê Hải Quỳnh – Chuyên viên tuyển dụng và phát triển nhân lực của VietnamWorks.com
 
Một CV quá dài, quá nhiều câu chữ: 3 trang và chưa cân đối các mục thông tin khiến nhà tuyển dụng nhiều khi phớt lờ ứng viên. Họ không có nhiều thời gian để tìm hiểu hết những gì được thể hiện trong CV. Vì thế, bạn nên tóm gọn lại các thông tin đề cập trong CV của mình. Cố gắng thể hiện chúng bằng những gạch đầu dòng rõ ràng, mạch lạc và đủ ý. Có thể M.T chỉ liệt kê các hoạt động ngoại khóa của mình và các thành tích đạt được một cách ngắn gọn thôi. Ví dụ như: 2007 – Tham gia chiến dịch mùa hè xanh, giúp đỡ 20 hộ dân dựng nhà ở xã A, huyện B… Hay đối với phần thành tích học tập, M.T nên gạch ý đã đạt được những kết quả gì đã đạt được trong quá trình học tập chứ không cần nêu chi tiết từng năm một. Chẳng hạn bạn ấy có thể viết gọn lại là: Năm 2010 - Cử nhân Truyền thông – PR, xếp hạng giỏi.
 
Một CV ấn tượng không nên quá dài, nhiều câu chữ
 
Ngoài ra chị Hải Quỳnh còn nhấn mạnh tới lỗi Thiếu chú trọng tới những thành tựu đạt được. Vì đó cũng là một lỗi thường xuyên bắt gặp. Hồ sơ của bạn sẽ rất dễ làm cho nhà tuyển dụng chán ngay từ lúc đầu nếu như bạn chỉ đơn thuần liệt kê ra những nhiệm vụ mà bạn đã thực hiện. Chẳng hạn nếu bạn viết:
 
- Tham dự các buổi họp và đảm đương vai trò thư ký
 
- Quản lý và phát triển các chương trình chăm sóc khách hàng
 
- Lấy tài liệu/công văn cho văn phòng
 
Làm như vậy bạn sẽ rất dễ bị mất điểm. Nhà tuyển dụng thường không quan tâm bạn đã làm bao nhiêu việc, bạn đã hoàn thành nhiệm vụ của bạn như thế nào, họ chỉ quan tâm những thông tin dạng như:
 
- Sử dụng máy tính xách tay ghi lại nội dung cuộc họp hàng tuần và biên tập chúng ở dạng file word để sau này sử dụng lại.
 
- Đứng ra tổ chức các hoạt động tập thể trong hội nghị khách hàng 2 ngày 1 đêm bao gồm viết kịch bản chi tiết, đạo diễn chương trình.
 
- Sắp xếp lại đống hồ sơ dữ liệu cồng kềnh của cả công ty để mọi người tiếp cận tư liệu dễ dàng hơn
 
Theo chị Hải Quỳnh nhiều bạn còn chưa chú trọng tới những thành tựu đạt được trong CV

Thay lời kết

Với góc nhìn từ một chuyên viên tuyển dụng và phát triển nhân lực của VietnamWorks.com trong nhiều năm, chị Hải Quỳnh bật mí với teen nhà mình rằng nên dành thời gian nghiên cứu cách viết một CV ngay từ lúc mới bước chân vào trường đại học. Viết CV không hề khó, nhưng cũng không dễ để có được 1 CV tốt. Vì vậy nên thật sự đầu tư kỹ càng trước khi nhấn nút gửi CV nhé.

Ngoài việc trau dồi kiến thức, bổ sung các kỹ năng cá nhân, các bạn cũng nên chú ý chăm sóc sức khỏe như tập thể dục, sử dụng các sản phẩm tăng cường trí lực như nước cốt gà BRAND’S để có được một tinh thần thoải mái. Điều đó cũng giúp bạn ghi điểm tốt trong các vòng tuyển tiếp theo.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  3,112,984       1/728