Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Nguy cơ thiếu vitamin D khi giãn cách xã hội, ứng phó thế nào?

Có thể nói, nguồn cung cấp vitamin D chủ yếu cho cơ thể là từ ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, khi giãn cách xã hội, mọi người ở trong nhà, thậm chí nhiều ngày không ra ngoài, có nguy cơ thiếu vitamin D không, và ứng phó với tình trạng này như thế nào?

Theo TS. BS Trần Quốc Cường - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp chính vitamin D, do đó vì bất cứ lý do gì mà mọi người ít ra đường tham gia giao thông, tập thể dục thể thao ngoài trời đều gia tăng nguy cơ thiếu vitamin D. Và điều đó quan sát rất rõ trong thời gian giãn cách xã hội đặc biệt là trong thời gian kéo dài như hiện nay.

photo-1632212627439

Nguồn cung cấp chính vitamin D cho cơ thể từ ánh nắng mặt trời.

Ngay cả trước khi có dịch bệnh, với lối sống của người dân nước ta hiện nay thì nguy cơ thiếu vitamin D cũng cao khi mà mọi người đều làm việc trong văn phòng, trẻ em đi học bán trú từ rất nhỏ và đi học suốt cả ngày trong phòng học.

Tỉ lệ thiếu vitamin D trung bình hiện nay tại nước ta khoảng 20% ở người trưởng thành và 40% ở trẻ em. Thiếu hụt vitamin D được chẩn đoán qua xét nghiệm nồng độ vitamin D trong máu - TS. BS Trần Quốc Cường cho biết.

Những yếu tố nguy cơ gây thiếu vitamin D

Ngoài yếu tố thiếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời nêu trên thì còn có 1 số đối tượng có nguy cơ cao thiếu vitamin D bao gồm:

Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Hai đối tượng này có nguy cơ thiếu hụt là do gia tăng nhu cầu sử dụng. Trẻ nhỏ tăng nhu cầu để tăng trưởng chiều cao, phụ nữ tăng nhu cầu để phát triển bào thai.

Người cao tuổi, người bệnh béo phì, người có bệnh gan, thận. Người cao tuổi tăng nguy cơ thiếu hụt vì da bị lão hóa nên khả năng tổng hợp vitamin D của da giảm. Người béo phì giảm nồng độ vitamin D trong cơ thể do vitamin D bị giữ trong mô mỡ. 

- Người có bệnh gan, thận cũng giảm tổng hợp vitamin D do sau khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời, tiền chất vitamin D còn phải qua gan, thận mới hoàn thành quá trình tổng hợp vitamin D.

- Người sống ở những vùng mà hàm lượng tia cực tím (giúp tổng hợp vitamin D) yếu hoặc giảm tác dụng như: Nơi bị ô nhiễm môi trường, người ở các tỉnh miền Bắc đặc biệt là những tháng mùa đông…

photo-1632212629306

Thiếu vitamin D gây loãng xương và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính nguy hiểm.

Hậu quả của thiếu vitamin D

Thiếu vitamin D sẽ gia tăng nguy cơ còi xương ở trẻ em và nhuyễn xương ở người trưởng thành và loãng xương ở người cao tuổi. Thiếu vitamin D cũng là nguyên nhân góp phần làm chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em và góp phần làm giảm tầm vóc và chiều cao trung bình của dân số của một quốc gia.

Hiện nay Nhà nước chưa có chương trình phòng chống vitamin D như các chương trình phòng chống thiếu vi chất khác như vitamin A, i-ốt, sắt mặc dù vấn đề thiếu vitamin D rất phổ biến hiện nay.

Ngoài ra, vitamin D được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới là góp một phần nhỏ trong phòng ngừa các bệnh mãn tính không lây khác như ngăn ngừa ung thư, ngăn ngừa bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, lao phổi, béo phì, đái tháo đường typ 2, sa sút trí tuệ, các bệnh tự miễn khác. Do đó thiếu vitamin D cũng làm giảm hiệu quả của tác dụng này.

photo-1632212630506

Sử dụng thực phẩm giàu vitamin D.

Ứng phó như thế nào?

TS. BS Trần Quốc Cường cho biết, vitamin D là một vitamin duy nhất ít có trong nguồn thực phẩm tự nhiên. Do đó để bổ sung vitamin D có các phương pháp sau:

- Tăng cường tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Muốn cơ thể hấp thu vitamin D tốt thì phải tiếp xúc ánh nắng mặt trời ở thời điểm ánh nắng tương đối, không quá nhẹ, ví dụ như trong khoảng thời gian sau 9h sáng.

- Sử dụng thực phẩm có bổ sung vitamin D như sữa, chế phẩm từ sữa và một số loại bánh được sản xuất đặc biệt có bổ sung vitamin D và hoặc canxi.

- Uống thuốc bổ sung vitamin D. Hiện nay vitamin D có nhiều loại: Loại kết hợp với canxi; loại riêng rẻ, dưới dạng uống nhỏ giọt, dạng viên, dạng xịt vào miệng dùng cho trẻ nhỏ.

Vitamin D là loại thuốc kê đơn, tức là cần sự chỉ định của bác sĩ, do đó người dân nên đi khám để được chỉ định dùng cho phù hợp.

photo-1632212631815

Chỉ bổ sung bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Những lưu ý khi bổ sung vitamin D bằng thuốc

TS. BS Trần Quốc Cường nhấn mạnh: Vitamin D là loại tan trong chất béo và có khả năng ngộ độc nếu dùng quá liều. Do đó lưu ý trong việc uống vitamin D là phải uống trong hoặc sau bữa ăn để vitamin D hấp thu tốt nhất nhờ chất béo trong bữa ăn.

Thứ hai để tránh quá liều, khi uống thuốc, mọi người lưu ý hàm lượng vitamin D trong thuốc đặc biệt là trong trường hợp dùng cùng lúc nhiều loại thuốc khác nhau có chứa vitamin D. 

- Nhu cầu trẻ nhỏ: 400 đơn vị (UI)/ngày;
- Nhu cầu trẻ lớn và người lớn: 600 UI/ngày;
- Nhu cầu người cao tuổi: 800 UI /ngày.

(Theo TS. BS Trần Quốc Cường - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,619,961       1/596