Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Rượu và nguy cơ mang tên " COVID-19"

Dù ai cũng biết uống nhiều rượu không tốt cho sức khỏe, nhưng văn hóa "nâng chén" khi chia vui cũng như lúc tiêu sầu vẫn tồn tại. Nhất là trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, rượu có thể trở thành "tri kỷ". Điều này gây nên nguy cơ nào khi virus SARS-CoV-2 lúc nào cũng rình rập, bủa vây?

Hơn một năm rưỡi vừa qua, cả thế giới rơi vào khủng hoảng do tác động tiêu cực của đại dịch COVID. Nó ảnh hưởng trên nhiều mặt phát triển của một quốc gia, cũng như nhu cầu và hoạt động của mỗi cá nhân. Trong một xã hội đa chiều như hiện nay, hay không có các mối tương tác với bạn bè, cách ly hay giãn cách xã hội khiến rượu bia dễ trở thành “tri kỷ” khi bạn không có các thú vui tiêu khiển nào khác

Mức tiêu thụ rượu tăng lên từ cuối năm 2019 đến nay 

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, năm 2020, lượng tiêu thụ rượu tăng hơn 14% so với năm 2019, đặc biệt với phụ nữ (tăng 41%). Một số nghiên cứu từ châu Âu và Australia cũng ghi nhận việc tiêu thụ rượu ở nhà đã gia tăng do bị căng thẳng.

Ở Việt Nam, chưa có con số thống kê, nhưng dự báo nhu cầu tiêu thụ bia rượu tại nhà ở cũng có nguy cơ gia tăng, do không hội họp giao lưu được ở các nhà hàng theo thói quen trước khi cách ly và giãn cách xã hội.

Tại Hoa Kỳ, năm 2020, lượng rượu tiêu thụ tăng so với năm 2019, đặc biệt là phụ nữ .

Mối liên quan giữa rượu và chức năng sinh lý của phổi nói chung, bệnh COVID nói riêng

Lâu nay, nhiều người biết rằng uống rượu lâu ngày có hại đến gan. Nhưng chúng cũng gây nhiều tác hại ở phổi, và chính điều này ảnh hưởng đến những người bị COVID-19. Về cơ chế bệnh sinh, chức năng các lông mao trong các đường hô hấp liên tục di chuyển để dọn sạch cặn bã xâm nhập từ ngoài. Sự hoạt động lông mao hô hấp giảm rõ khi uống rượu thường xuyên, vì vậy phổi của những người nghiện rượu lâu ngày không thể thanh lọc tốt như những người khỏe mạnh.

Uống nhiều rượu trong thời gian dài hoặc uống quá chén vào một thời điểm, đã được chứng minh là làm tăng gần gấp đôi nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính, một biến chứng nghiêm trọng của COVID-19 gây khó thở.

Uống nhiều rượu trong thời gian dài hoặc uống quá chén vào một thời điểm làm tăng gần gấp đôi nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), phụ nữ uống quá nhiều rượu (tương đương 4 ly trở lên) trong một dịp hoặc nhiều hơn 8 ly mỗi tuần; nam giới 5 ly rượu trở lên trong một dịp hoặc 15 ly rượu trở lên mỗi tuần, được cho là tiêu thụ rượu quá mức.

Rượu có làm giảm hiệu quả của vắc xin COVID-19?

Để phòng chống COVID, bên cạnh các khuyến cáo như thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K (Khẩu trang- Khoảng cách- Khử khuẩn- Không tụ tập- Khai báo y tế) còn là tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19. Vậy, rượu có ảnh hưởng tới hiệu quả của vắc xin không?

Một số nghiên cứu gần đây ở Hoa Kỳ cho thấy, uống quá nhiều rượu ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống miễn dịch. Tác giả Ilhem Messaoudi - giáo sư sinh học phân tử và hóa sinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Virus tại Đại học California, Irvine, khuyến nghị: “Mọi người nên được cảnh báo về việc uống rượu gây tổn thương cho hệ thống miễn dịch. Uống lượng lớn rượu một lúc thực sự gây ức chế hệ thống miễn dịch”.

Về mặt cơ chế, nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của rượu lên màng tế bào và sự trao đổi chất, cũng như có khả năng cản trở sự trưởng thành của các đại thực bào. Trong khi, đại thực bào là các tế bào bạch cầu được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch có chức năng tiêu diệt virus và các vật lạ xâm nhập cơ thể. Khi các đại thực bào bị suy giảm, chẳng hạn như do uống quá nhiều rượu, tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng sẽ bị ảnh hưởng. Một cơ chế nữa đáng chú ý, rượu lập trình lại các tế bào miễn dịch để tạo ra nhiều chất trung gian gây viêm và tạo ra hàng loạt cytokine, tác nhân gây ra bão cytokine rất nguy hiểm cho tính mạng ở bệnh nhân mắc COVID.

Mặc dù uống quá nhiều rượu ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống miễn dịch, Messaoudi và cộng sự đã phát hiện ra tác dụng đáng ngạc nhiên của việc uống rượu vừa phải. Nghiên cứu cho thấy, uống 1 ly rượu vang mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly đối với nam giới, có thể làm giảm viêm và tăng cường phản ứng miễn dịch với vaccin. Tuy nhiên, chỉ vượt quá một lượng rượu nhỏ, sẽ có gia tăng đáng kể tác động tiêu cực.

Thưởng thức một ly nhỏ rượu vang đỏ vào bữa tối, trước hay sau khi tiêm vắc xin COVID-19, sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch cơ thể

Tốt nhất, cho dù bạn sắp được tiêm vắc xin COVID-19 hay đang cố gắng tránh lây nhiễm virus, một đánh giá được công bố gần đây về các nghiên cứu COVID-19 khuyên bạn tránh uống quá nhiều rượu để tối ưu hóa sức khỏe trong thời kỳ đại dịch, giúp cho hệ thống miễn dịch của bạn ở trạng thái tốt nhất, chống lại virus nếu bạn bị phơi nhiễm hoặc giúp tạo ra kháng thể chống lại virus khi bạn tiêm chủng.

Nếu bạn hiện đang uống rượu quá mức, hãy cắt giảm ngay không nên để quá muộn. Ngay cả khi ngừng uống rượu nặng, nghiên cứu vẫn cho thấy ảnh hưởng suy giảm miễn dịch do việc uống nhiều rượu vẫn còn tồn tại ít nhất ba tháng sau đó.

Cuối cùng, nếu bạn vẫn muốn dùng rượu, chỉ nên thưởng thức một ly nhỏ rượu vang đỏ vào bữa tối, trước hay sau khi tiêm vắc xin COVID-19, sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch cơ thể, thậm chí còn có lợi cho tim mạch.

(Theo TS.BS Lê Thanh Hải - suckhoedoisong.vn)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,607,711       1/711