Phổ biến kiến thức

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phổ biến kiến thức


Ăn gì để ngừa biến chứng do rối loạn lipid máu?

Với những bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid máu cần có một chế độ ăn phù hợp, cân đối giúp làm giảm lipid máu, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Rối loạn lipid máu (RLLPM) là tình trạng bệnh lý khi có một hoặc nhiều thông số lipid bị rối loạn (tăng cholesterol hoặc tăng triglicerid, hoặc tăng LDL-c, hoặc giảm HDL-c...). RLLPM thường được phát hiện cùng với mội số bệnh lý tim mạch - nội tiết - chuyển hóa. Đồng thời RLLPM cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh lý này.

Nguyên nhân của RLLPM có thể do nguyên phát như di truyền hoặc thứ phát do lối sống không hợp lý. Điều trị RLLPM thay đổi lối sống (tăng cường vận động thể lực, thay đổi chế độ ăn: hạn chế bia rượu, mỡ động vật…) hoặc dùng thuốc giảm lipid máu.

Tại sao rối loạn lipid máu gây nguy hiểm?

Tăng cholesterol máu đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được với các bệnh tim mạch. Thông thường có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch hay đi kèm nhau và thúc đẩy nhau tiến triển. Khi bạn có nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp, nguy cơ bệnh tim mạch tăng lên gấp nhiều lần.

Khi có quá nhiều LDL cholesterol trong máu, nó sẽ từ từ lắng đọng vào thành các mạch máu. Cùng với một số chất khác, nó sẽ hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm lòng mạch bị hẹp dần hoặc tắc hoàn toàn.

Xơ vữa động mạch là thuật ngữ được dùng để mô tả quá trình lắng đọng các chất béo, cholesterol, sản phẩm thoái giáng của tế bào, lắng đọng calci và sợi đông máu (fibrin) trong thành động mạch. Quá trình xơ vữa động mạch cũng được thấy gia tăng theo tuổi, có liên quan yếu tố gia đình, và ở một số người có các nguy cơ tim mạch khác (ngoài việc rối loạn lipid máu) như đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, tăng huyết áp…

Rối loạn chuyển hóa lipid máu cần có chế độ ăn như thế nào.

Rối loạn chuyển hóa lipid máu cần có chế độ ăn như thế nào.

Nguyên tắc ăn uống cho những bệnh nhân rối loạn lipid máu

Cần giảm lượng chất béo (lipid) ăn vào: đây là nguyên tắc quan trọng nhất. Ở người bình thường khỏe mạnh, lượng chất béo trong khẩu phần ăn vào chiếm từ 22-25% /tổng năng lượng, nhưng đối với bệnh nhân RLLPM tỷ lệ này nên chỉ chiếm 15-20%. Chất béo trong thực phẩm được chia thành 2 dạng là chất béo bão hòa và chất béo chưa bão hòa.

Chất béo bão hòa hay còn gọi là “chất béo xấu” làm tăng cholesterol toàn phần, tryglycerid máu, LDL - cholesterol, loại châ
́t béo này thường có nhiều trong một số thực phẩm như: thịt ba chỉ, mỡ động vật, thịt các loại gia cầm, các chế phẩm từ bơ, sữa. Ngược lại, chất béo chưa bão hòa hay “chất béo tốt” giúp làm giảm cholesterol, tryglycerid, ngăn ngừa mảng xơ vữa, 2 dạng điển hình của “chất béo tốt” mà chúng ta nghe nhiều nhất đó là omega-3 và omega-6. Các loại hải sản như cá chích, cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá chép, cá trắm... là những thực phẩm giàu omega-3. Các cây họ đậu là nguồn giàu omega-6: đậu đen, đậu đỗ, đậu đỏ, đậu nành...ngoài ra một số loại dầu thực vật cũng giàu omega-6 (dầu mè, dầu vừng, dầu hướng dương...).

Cần giảm lượng cholesterol khẩu phần: ở người bình thường, lượng cholesterol ăn vào khuyến cáo từ 500-600mg/ngày. Đối với bệnh nhân rối loạn lipid máu lượng cholesterol nên dưới 300mg/ngày, hạn chế ăn những thực phẩm giàu cholesterol như phủ tạng động vật, đồ ăn nhanh, chiên, rán. Nhiều bệnh nhân quan niệm rối loạn lipid máu không nên ăn trứng, dẫn đến việc bệnh nhân kiêng hoặc thậm chí không bao giờ ăn trứng, quan điểm này hoàn toàn sai. Trong lòng đỏ trứng chứa nhiều cholesterol nhưng cũng có chất lecithin giúp hấp thu và chuyển hóa đến 60-70% lượng cholesterol này. Vì vậy bệnh nhân rối loạn lipid máu vẫn có thể ăn được trứng. Viện Dinh dưỡng khuyến cáo, nên ăn từ 3-4 quả/tuần.

Tăng cường chất xơ: nhất là chất xơ trong rau củ, trái cây giúp làm chậm hấp thu lipid vào máu và giảm lipid máu. Ngoài ra chất xơ khi vào dạ dày sẽ làm tăng khối lượng phân chống táo bón.

Tăng cường thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất chống oxy hóa (A, C, E. kẽm...): một số thực phẩm giàu vitamin A (các loại rau, hoa quả màu đỏ, xanh đậm: cà chua, cà rốt, ớt chuông đỏ, bí đỏ, rau dền, cải thảo, rau ngót, đu đủ, xoài, chuối…). Vitamin C có nhiều trong các cây họ có múi (bưởi, cam, quýt), cần tây, rau mùi, dưa hấu.

Ngoài ra cần uống đủ nước theo khuyến cáo, mỗi người nên uống 40ml nước/kg/ngày (ví dụ 1 người 50kg nên uống khoảng 2 lít nước/ngày).

Hạn chế rượu bia, nước ngọt, thuốc lá góp phần giảm nguy cơ gia tăng biến chứng với bệnh nhân rối loạn lipid máu: bệnh mạch vành, đột quỵ…    

(Theo TS.BS. Ngô Thị Phượng - suckhoedoisong.vn)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  5,144,144       1/448