Phổ biến kiến thức

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phổ biến kiến thức


Nguyên tắc và phương pháp điều trị giun sán

Hiện nay bệnh do giun sán ký sinh xảy ra khá phổ biến tại nước ta nhưng nhà nước và ngành y tế chưa xem xét đầu tư một cách thích hợp để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống. Ngoài bệnh giun sán thường gặp, còn có một số bệnh ký sinh trùng mới nổi gây lo lắng cho người dân. Chính vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới đã gọi bệnh ký sinh trùng nói chung và bệnh do giun sán nói riêng là bệnh bị lãng quên. Trên thực tế, để điều trị bệnh giun sán có hiệu quả cần tuân thủ các nguyên tắc và phương pháp quy định.

 

Nguyên tắc điều trị bệnh giun sán

Muốn điều trị bệnh giun sán có hiệu quả, cần bảo đảm các nguyên tắc cơ bản như chọn lựa thuốc, tập trung thuốc có nồng độ cao; dùng thuốc tẩy sau thuốc điều trị, xử lý giun sán được tẩy ra và thực hiện các biện pháp vệ sinh sau khi tẩy giun sán; đồng thời phải điều trị tẩy giun sán định kỳ theo yêu cầu.

Việc chọn lựa thuốc phải bảo đảm loại thuốc được sử dụng có tác dụng hiệu quả đối với nhiều loại giun sán vì ở nước ta tình hình nhiễm nhiều loại giun sán phối hợp chiếm tỷ lệ cao. Một người thường có thể bị nhiễm từ 2 đến 3 loại giun sán.

 Giun đũa và sán dây (ảnh internet)

Khi điều trị, cần tập trung dùng thuốc với nồng độ cao để có tác dụng mạnh đến các loại giun sán. Muốn thực hiện được vấn đề này, cần cho bệnh nhân uống thuốc vào lúc đói nhưng không đói quá vì dễ gây nên ngộ độc thuốc. Nên dùng thuốc nhuận trường hoặc thuốc tẩyđể tẩy sạch chất nhầy bao phủ trên cơ thể các loại giun sán, giúp cho thuốc ngấm được nhiều vào giun sán nhằm nâng cao hiệu quả điều trị. Phải chọn loại thuốc có độc tính thấp nhưng có hiệu quả cao.

Sau khi uống thuốc điều trị giun sán, nên dùng thuốc tẩy để tống nhanh các loại giun sán ra khỏi cơ thể, tránh sự nhiễm độc do độc tố của giun sán bị chết hoặc bị vữa nát, đồng thời phòng ngừa được khả năng giun sán có thể phục hồi sống trở lại. Khi chọn lựa thuốc điều trị, nên chọn những loại thuốc được bào chế đã có thêm cả thuốc nhuận trường phối hợp.

Sau khi tẩy giun sán ra khỏi cơ thể, phải xử lý chúng để tránh gây ô nhiễm môi trường vì giun sán thường chứa đựng một lượng trứng rất lớn.

Cũng ngay sau khi tẩy giun, cần áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường sống để phòng chống sự tái nhiễm. Ở nước ta, môi trường ngoại cảnh thường bị ô nhiễm nặng nề với các mầm bệnh giun sán và đây là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho sự tái nhiễm giun sán trở lại.

Sán lá (ảnh internet)

Sau đợt điều trị giun sán, nên có kế hoạch điều trị định kỳ tối thiểu từ 6 tháng đến 12 tháng một lần để phòng chống tái nhiễm và tránh các biến chứng có thể xảy ra. Việc điều trị giun sán định kỳ được xem là một giải pháp bổ sung cho chương trình phòng chống suy dinh dưỡng ở những vùng có bệnh giun sán lưu hành. Ở Tanzania, các nhà khoa học đã nghiên cứu và ghi nhận tỷ lệ tăng trọng lượng cơ thể của nhóm trẻ em được điều trị giun sán định kỳ lớn hơn 9% so với nhóm trẻ em đối chứng không được điều trị giun sán.

Phương pháp điều trị bệnh giun sán

Khi điều trị bệnh giun sán, tùy theo tình hình thực tế và điều kiện khả năng cho phép của mỗi địa phương; có thể sử dụng phương pháp điều trị hàng loạt hoặc điều trị chọn lọc.

Điều trị hàng loạt

Điều trị hàng loạt có chu kỳ cho tập thể là phương pháp điều trị cho toàn bộ dân cư sống trong khu vực. Đây là một trong những biện pháp can thiệp rất có hiệu quả trong công tác phòng chống các bệnh giun sán truyền qua đất. Phương pháp điều trị hàng loạt mặc dù được công nhận là một trong những biện pháp có hiệu quả nhất trong công tác phòng chống các bệnh giun sán truyền qua đất nhưng việc đầu tư tài chính đối với phương pháp này khá tốn kém.

 

Giun đũa (ảnh internet)

Mục đích của việc điều trị hàng loạt không phải để tẩy hết giun sán ra khỏi cơ thể con người mà chỉ để giảm cường độ nhiễm bệnh và giảm tần số lan truyền bệnh. Khi áp dụng phương pháp điều trị hàng loạt, cần đặc biệt chú ý tốc độ tái nhiễm. Nên nghiên cứu cách thức sử dụng thuốc, tần số, khoảng cách... để chọn lựa biện pháp tốt nhất nhằm giảm tỷ lệ nhiễm và giảm tốc độ tái nhiễm.

Thuốc được sử dụng trong điều trị hàng loạt phải là loại thuốc ít độc, an toàn, có thể sử dụng rộng rãi trong nhân dân, không gây biến chứng. Hiện nay các loại thuốc điều trị an toàn, hiệu quả cao đối với nhiều loại giun sán là albendazole, mebendazole. Các nhà khoa học và y học khuyến cáo nên dùng thuốc điều trị tẩy giun mỗi năm khoảng 3 lần, cách nhau 4 tháng. Nếu thực hiện trong 3 năm liền liên tục sẽ có tỷ lệ tái nhiễm thấp nhất.

Điều trị chọn lọc

Điều trị chọn lọc là phương pháp can thiệp chỉ sử dụng để điều trị cho một nhóm người ở trong một khu vực nhất định. Mục đích của phương pháp này nhằm xây dựng biện pháp điều trị chon lọc đối với các đối tượng bị nhiễm giun sán nặng như trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị nhiễm giun sán cao nhất, cường độ nhiễm nặng nhất, ý thức vệ sinh kém nhất... nên trẻ em là nguyên nhân gây ô nhiễm mầm bệnh giun sán thải ra ngoại cảnh nhiều nhất, mạnh nhất và cũng chính là đối tượng bị tái nhiễm nhanh nhất. Qua kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy rằng chỉ cần tập trung điều trị cho đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi, một đối tượng chiếm khoảng 50% dân số, cũng làm giảm được tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm giun sán trong cả cộng đồng. Cũng đã có quan niệm cho rằng nếu chọn lọc những người có cường độ nhiễm nặng nhất và tập trung điều trị cho đối tượng này cũng sẽ mang lại hiệu quả tương tự.

 Giun bò dưới da (ảnh internet)

Phương pháp điều trị chọn lọc cũng có thể đạt được hiệu quả tương đương với phương pháp điều trị hàng loạt nhưng đầu tư về mặt tài chính ít tốn kém hơn, tiết kiệm được thời gian, công sức, nhân lực và đặc biệt có thể tiết kiệm được khoảng 50% kinh phí. Các nhà y học thường khuyến cáo áp dụng phương pháp điều trị chọn lọc đối với một số bệnh giun truyền qua đất, chúng có đặc điểm là loại giun dễ bị mắc nhất, tỷ lệ nhiễm cao, cường độ nhiễm nặng và thậm chí có thể áp dụng đối với một số loại bệnh ký sinh trùng khác.

Một số thuốc chủ yếu điều trị giun sán

Thuốc điều trị giun sán chủ yếu nói chung có nhiều loại, trong đó cần phân biệt thuốc điều trị giun và thuốc điều trị sán.

- Thuốc điều trị giun gồm có các loại như thuốc piperazin (diethylen diamin) với tên biệt dược là piperal, piperazin citrat, piperol, antepar...; thuốc levamisol với tên biệt dược là levaris, decaris, solaskil...; thuốc mebendazole với tên biệt dược là vermox, fugacar, soltric...; thuốc albendazole với tên biệt dược là zentel, zenben, alzental...; thuốc pyrantel với tên biệt dược là combantrin, antiminth, panatel...; thuốc thiabendazole (mitezol); thuốc diethylcarbamazin với tên biệt dược là DEC, banocid, notezin...;

Trong phương pháp điều trị chọn lọc đối với các loại giun truyền qua đất như giun đũa, giun tóc và giun móc trên đối tượng trẻ em, đặc biệt là học sinh tiểu học; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên sử dụng hai loại thuốc bảo đảm an toàn, có hiệu quả, ít tác dụng phụ là mebendazole và albendazole dùng liều duy nhất.

 

 Thuốc mebendazole và albendazole (ảnh internet)

- Thuốc điều trị sán gồm có các loại như thuốc niclosamid với tên biệt dược là yomesal, niclocide, tamox...; thuốc praziquantel với tên biệt dược là pratez, bilcitrid, cesol...


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  5,297,616       1/594