Phổ biến kiến thức

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phổ biến kiến thức


Không có muỗi vằn, không có loăng quăng, không còn sốt xuất huyết

“Không có muỗi vằn, không có loăng quăng, không còn sốt xuất huyết”!

Muỗi vằn Ades aegypti là véc tơ chính trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu biết rõ những đặc điểm sinh sống, hoạt động của loài muỗi này có liên quan đến bệnh bệnh sốt xuất huyết Dengue như thế nào, nên vấn đề phòng chống căn bệnh này còn rất hạn chế, làm cho bệnh sốt xuất huyết Dengue hằng năm vẫn cứ “đến hẹn lại lên”, khó ngăn chặn và kiểm soát căn bệnh này một cách triệt để.

Trong quá trình thực tiễn làm công tác côn trùng “ba diệt”, nhiều năm trực tiếp giám sát điều tra muỗi và bọ gậy truyền bệnh sốt xuất huyết, chúng tôi thấy rằng muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là loại sống chủ yếu trong nhà, mọi hoạt động trong vòng đời gắn liền với đời sống con người. Chúng tìm mồi suốt ngày, nhưng thường hoạt động tích cực vào sáng sớm và chập choạng tối, chỉ đậu nghỉ khi đã no máu hoặc vào ban đêm. Muỗi vằn thích tìm vật chủ người trong nhà hoặc ngoài hiên nhà và chỉ trú đậu tiêu máu trong nhà, ít thấy muỗi tìm đốt người hay trú đậu ngoài nhà. Đặc biệt, chúng rất thích đậu trên các loại vải có màu sẫm tối, tối đậm, nhiều lông tơ mịn: áo len, quần jean và cũng thích trú đậu trên quần áo chưa giặt giũ, có mùi mồ hôi. Loài muỗi này rất tinh ranh, nhanh nhẹn, thường bay lượn quan sát chỗ người lớn lao động hay trẻ em sinh hoạt vui chơi. Khi có thời cơ, sẵn sàng đáp xuống, đậu lên chỗ da hở và hút máu ngay, rồi bay đi rất nhanh, vì chúng không rình mồi, không gây mê da khi đốt như nhiều loại muỗi khác. Muỗi SXH chỉ đẻ ở các vật chứa nước sạch có sẵn trong nhà và xung quanh hiên nhà, nhất là những vật chứa có ánh sáng mặt trời chiếu rọi 30-40%/ngày (cho nước ấm), chưa thấy tài liệu nào ghi nhận muỗi vằn đẻ nơi nước dơ bẩn.

Mật độ muỗi vằn Ades aegypti trong mỗi gia đình, đặc biệt là trong vùng dịch (vào đầu và cuối mùa mưa hoặc những thời kỳ nắng nóng xen kẽ mưa rào trong mùa mưa) thường rất cao, chính áp lực mật số cao cũng buộc chúng phải phân tán tìm mồi và gieo rắc mầm bệnh. Để không có loài muỗi vằn thì quả là khó khăn, vì chúng ta không thể nào diệt hết chúng được.

+ Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue:

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 týp thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh. Ca bệnh Bệnh nhân sốt đăng gơ (SD) có biểu hiện sốt cao đột ngột, sốt cao trên 38,50C, kéo dài 2 - 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, phát ban, có biểu hiện xuất huyết (dấu hiệu dây thắt dương tính); giảm bạch cầu. Bệnh nhân sốt xuất huyết đăng gơ (SXHD) có bệnh cảnh của sốt đăng gơ, có thể thêm một số triệu chứng: ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu (chân răng, mũi, đường tiêu hóa, tại nơi tiêm, kinh nguyệt kéo dài...); giảm tiểu cầu (dưới 100.000/mm3).

Trong trường hợp nặng người bệnh có các dấu hiệu của suy tuần hoàn: mạch nhanh và yếu, huyết áp kẹt (chênh lệch dưới 20 mm Hg) hoặc tụt huyết áp so với tuổi, da lạnh và ẩm, tình trạng tâm tinh thần thay đổi. Dựa vào kết quả xét nghiệm để xác định Ca bệnh SD/SXHD phân lập vi rút dengue hoặc xét nghiệm huyết thanh. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

+ Tác nhân gây bệnh:

           

Muỗi vằn- véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết.

Vi rút dengue gây bệnh SD/SXHD thuộc giống Flaviviruses, họ Flaviviridae; gồm 4 týp huyết thanh có ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 týp huyết thanh lưu hành ở khu vực Đông Nam Á và đều có thể xảy ra ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Vi rút dengue có thể tồn tại, phát triển lâu dài trong cơ thể muỗi Aedes aegypti, tuy nhiên dễ dàng bị diệt khi ra môi trường bên ngoài. Các hóa chất khử khuẩn thông thường (nhóm clo hoạt tính, nhóm alcol, các muối kim loại nặng, chất ô xy hóa, chất tẩy, xà phòng...) và nhiệt độ trên 56oC bất hoạt vi rút chỉ trong vài chục phút. Vi rút có thể tồn tại lâu dài hơn (nhiều tháng, hàng năm) trong nhiệt độ âm sâu (-70oC).

+ Diễn biến lâm sàng bệnh sốt xuất huyết Dengue:

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

+ Biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sốt:

Sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, nghiệm pháp dây thắt dương tính, thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

+ Biểu hiện cận lâm sàng bệnh sốt xuất huyết Dengue:

Dung tích hồng cầu (Hematocrit) bình thường. Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần (nhưng còn trên 100.000/mm3). Số lượng bạch cầu thường giảm.

+ Giai đoạn nguy hiểm:

Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh

- Biểu hiện lâm sàng: Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể có các biểu hiện như: thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ), tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to, có thể đau. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.

- Xuất huyết: Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng. Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

- Cận lâm sàng: Hematocrit tăng so với giá trị ban đầu của người bệnh hoặc so với giá trị trung bình của dân số ở cùng lứa tuổi. Số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm3 (<100 G/L). Enzym AST, ALT thường tăng. Trong trường hợp nặng có thể có rối loạn đông máu. Siêu âm hoặc xquang có thể phát hiện tràn dịch màng bụng, màng phổi.

+ Giai đoạn hồi phục:

- Lâm sàng: Sau 24-48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch. Giai đoạn này kéo dài 48-72 giờ. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ. Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.

- Cận lâm sàng: Hematocrit trở về bình thường hoặc có thể thấp hơn do hiện tượng pha loãng máu khi dịch được tái hấp thu trở lại. Số lượng bạch cầu máu thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt. Số lượng tiểu cầu dần trở về bình thường, muộn hơn so với số lượng bạch cầu.

+ Đặc điểm dịch tễ học của bệnh sốt xuất huyết Dengue:

Bệnh sốt xuất huyết Dengue lưu hành ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi sinh sống của các loài muỗi Aedes. Ở Châu Á, bệnh lưu hành ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Bệnh gặp cả ở vùng thành thị, nông thôn và ngay cả miền núi, tuy nhiên tập trung cao nhất ở các khu vực có mật độ dân cư đông, tình trạng đô thị hóa cao. Việt Nam được coi là vùng dịch lưu hành địa phương, chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ.

 Nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

 

Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình tháng cao; ở miền Nam gần như quanh năm, ở miền Bắc từ tháng 7 tới tháng 11. Chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue khoảng 3 - 5 năm. Thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra.

Những người sống trong khu vực lưu hành địa phương của sốt xuất huyết Dengue đều có thể mắc bệnh hoặc nhiễm vi rút lành. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên tỷ lệ mắc bệnh rất khác nhau giữa các nhóm dân cư. Nhóm người có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết Dengue là trẻ em, người di cư hay du lịch đến từ vùng không lưu hành sốt xuất huyết, người dân sinh sống tại các khu đang đô thị hóa, đời sống kinh tế thấp kém, vùng có tập quán trữ nước và sử dụng nước không được kiểm soát, vùng có mật độ muỗi Aedes aegypti thường xuyên cao.

+ Véc tơ truyền bệnh:

Muỗi trưởng thành thường đẻ trứng ở bất kỳ dụng cụ chứa nước nào có thể tích trữ nước đến 7 ngày đều có thể là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Những dụng cụ chứa nước như: chum vại, bể, chai lọ, vỏ dừa, lốp ô tô cũ, phuy chứa nước, dụng cụ chứa nước bằng nhựa, bát kê chân tủ đựng thức ăn trong bếp, bể chứa nước trong nhà tắm, bể chứa nước không có nắp đậy, giếng nước cạn, khay nước của tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, lọ hoa ở trong nhà, dụng cụ chứa nước quanh nhà những nơi râm mát.

Người là ổ chứa và là nguồn truyền nhiễm chủ yếu của bệnh sốt xuất huyết Dengue trong chu trình "người-muỗi Aedes aegypti" ở khu vực thành thị và nông thôn. Ngoài bệnh nhân, người mang vi rút dengue không triệu chứng cũng có vai trò truyền bệnh quan trọng. Trong ổ dịch sốt xuất huyết Dengue cứ 1 trường hợp bệnh điển hình có hàng chục trường hợp mang vi rút tiềm ẩn, không có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh: Từ 3 -14 ngày, thông thường từ 5 - 7 ngày. Thời kỳ lây truyền: Bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue là nguồn lây truyền ngay trước khi xuất hiện cơn sốt cho tới khi hết sốt, trung bình khoảng 6 - 7 ngày. Người mang vi rút không triệu chứng thường có thời kỳ lây truyền ngắn hơn. Muỗi Aedes aegypti nhiễm vi rút từ 6 - 12 ngày sau khi hút máu và có khả năng truyền bệnh suốt đời.

+ Khả năng truyền bệnh:

Lifecycle of Aedes Mosquito 

 Chu kỳ phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

 

Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chính sốt xuất huyết Dengue, ở Việt Nam là 2 loài muỗi là Aedes aegyptiAedes albopictus có thể truyền bệnh. Vi rút được truyền qua vết đốt của muỗi, chủ yếu là của loài muỗi Aedes aegypti. Đây là loài muỗi ưa thích đốt hút máu người, đốt ban ngày, thường vào buổi sáng sớm và chiều tà, có thể đốt nhiều lần trong ngày nếu chưa no máu. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các góc tối trong nhà, thích đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch trong khu dân cư. Muỗi Aedes phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng trên 20oC. Loài muỗi Aedes albopictus ít có vai trò truyền bệnh do ít đốt hút máu người và có thể sống ngoài thiên nhiên, rừng núi.

+ Tuyên truyền, phòng bệnh:

 

Nhằm kiểm soát và khống chế muỗi Aedes truyền bệnh một cách hiệu quả, lâu dài cần tuyên truyền giáo dục và hướng dẫn cho người dân quy hoạch lại khu vực dân cư và cách dự trữ nước sinh hoạt ở hộ gia đình; thường xuyên làm tổng vệ sinh môi trường khu dân cư, loại bỏ tối đa ổ bọ gậy nguồn (là vị trí muỗi đẻ trứng hay gặp nhất ở mỗi địa phương) của loài muỗi Aedes. Vệ sinh phòng bệnh: biện pháp diệt bọ gậy/loăng quăng và muỗi trưởng thành của loài Aedes là quan trọng nhất. Tuyên truyền giáo dục và hướng dẫn để người dân làm nắp đậy kín bể chứa nước, thường xuyên thau rửa bể, chum, vại; loại bỏ hoặc kiểm soát những nơi muỗi Aedes thường đẻ trứng như lọ hoa, bể cá cảnh, đồ vật phế thải có đọng nước mưa quanh hộ gia đình; nuôi thả một số loại cá nhỏ hoặc giáp xác ăn bọ gậy như Mesocyclop ở những vật chứa nước lớn ít có khả năng thay rửa. Cho muối hoặc dầu hỏa, ma dút vào nước chống kiến chân trạn. Chống muỗi đốt bằng nằm màn cả đêm và ngày, nhất là cho trẻ nhỏ; hướng dẫn cách xua muỗi chống đốt cho trẻ lớn. Diệt muỗi trưởng thành bằng hóa chất diệt côn trùng theo đúng chỉ định và hướng dẫn của ngành y tế. Cũng có thể sử dụng các biện pháp khác để xua, diệt muỗi trưởng thành như xông khói, xua đập cơ học, dùng mành rèm thường hoặc mành rèm tẩm hóa chất, dùng hương muỗi...vào những giờ muỗi hoạt động mạnh.

+ Khống chế muỗi, giảm mật độ bọ gậy, loăng quăng:

 

 Trước đây, các hóa chất thường được sử dụng để diệt muỗi, như bằng bình xịt, kem bôi da, hương diệt muỗi. Nhưng các biện pháp hiện đại sử dụng các sinh vật có khả năng tiêu diệt muỗi, hoặc các phương pháp sinh họcvật lý khác, hạn chế sử dụng chất hóa học có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

- Sử dụng thiên địch để diệt muỗi: Nuôi cá hoặc lươn nhỏ trong bể nước để tiêu diệt bọ gậy. Nuôi chuồn chuồn ngoài đồng ruộng. Các ấu trùng chuồn chuồn trong nước ăn bọ gậy, còn chuồn chuồn trưởng thành bắt muỗi trong không trung. Nuôi bò sát nhỏ như thạch sùng, thằn lằn để ăn muỗi trong nhà. Bảo vệ dơi bắt muỗi trong không trung.Dùng Mesocyclops để diệt lăng quăng. Dùng các côn trùng thủy sinh thuộc họ corixidae để diệt lăng quăng

- Cải tạo môi trường:Mục đích là thu hẹp môi trường sinh trưởng của muỗi: Nạo vét cống rãnh, vũng nước đọng, dụng phế thải chứa nước mưa. Phát quang bụi rậm. Sử dụng bồn chứa nước sinh hoạt kín, Dọn dẹp nhà cửa. Không để các vật ủ lại một chỗ ( dễ cho muỗi phát sinh ).

- Dùng bẫy điện, Vợt điện: Đèn bẫy muỗi được chế tạo với một đèn phát ánh sáng hấp dẫn muỗi và côn trùng tụ tập đến, bao quanh bởi lưới kim loại có hiệu điện thế thấp. Khi muỗi và côn trùng sa vào lưới, dòng điện nhỏ sẽ phóng qua và tiêu diệt chúng. Phương pháp này sử dụng được trong nhà và ngoài trời. Vợt điện, thiết kế như vợt bắt muỗi cầm tay, chỉ gồm lưới kim loại có điện thế, chạy pin. Vợt này đòi hỏi kỹ thuật sử dụng của người bắt muỗi, có thể có ích trong nhà, nhưng không có tính hiệu quả cao.

- Lưới chống muỗi: Lưới chống muỗi ngoài việc chống muỗi, chống bụi, còn có tác dụng tạo không khí thoáng mát trong phòng, ngăn cản ánh sáng, sử dụng tiện lợi, tạo một phong tuyến mạnh khỏe cho gia đình.

- Máy phát siêu âm xua muỗi: Các máy này được chế tạo nhỏ như đồng hồ, đeo ở tay, chạy pin, phát ra sóng siêu âm khiến muỗi không muốn lại gần, nhưng tai người không nghe thấy gì. Tiện dụng khi ta đi du lịch các vùng đất nhiều muỗi.

- Xua muỗi: Một cách khác để giảm thiểu khả năng bị muỗi ảnh hưởng đến sức khỏe là ngăn cản không cho chúng tiếp xúc với cơ thể.

- Bật đèn sáng: Muỗi rất sợ đèn sáng vào buổi tối, những ngôi nhà có ánh sáng mạnh sẽ xua được muỗi vào nhà tìm mồi đốt máu. Tạo luồng gió nhẹ bằng quạt có thể xua được muỗi.

- Màn chống muỗi: Các biện pháp dùng màn và lưới không gây hại cho sức khỏe hay môi trường, chi phí không cao và phát huy tác dụng trong thời gian dài. Màn ngủ là phương pháp hiệu quả để phòng chống muỗi đốt khi ngủ. Lưới cửa, là các lưới kim loại (hay nhựa) có lỗ nhỏ, không cho muỗi hay các loại côn trùng vượt qua và xâm nhập vào nhà ở, nhưng vẫn đảm bảo thoáng khí và ánh sáng.

- Thuốc xua muỗi: Thuốc bôi lên da để xua muỗi khỏi da, tiện dụng khi đi du lịch đến vùng đất nhiều muỗi. Chúng thường chứa các hóa chất sau: DEET, tinh dầu bạc hà mèo, nepetalactone, tinh dầu xả hay tinh dầu bạch đàn (còn gọi là dầu khuynh diệp).

- Dùng hóa chất: Thuốc xịt, có thể được xịt ở những khu vực ngoài trời rộng lớn. Một số thuộc xịt còn được xịt tiêu diệt muỗi và các côn trùng khác trong nhà ở, khi mọi người đi vắng. Việc dùng thuốc xịt gây tranh cãi, vì nó không chỉ độc cho con người mà còn tiêu diệt các sinh vật ăn muỗi, làm mất cân bằng sinh thái. Hương xua muỗi (còn gọi là nhang muỗi), có thể được đốt trong nhà khi mọi người đi vắng. Nó có thể tiêu diệt muỗi trong phạm vi nhà ở và không duy trì được tác dụng lâu dài.

Tất cả các biện pháp diệt muỗi và loăng quăng hiện nay không thể nào tổ chức thực hiện đều khắp, triệt để, thường xuyên và liên tục được. Hơn nữa, khả năng phục hồi mật độ ban đầu và khả năng phát tán của muỗi vằn là rất cao, khó khống chế hết

được. Chỉ cần diệt được một vài thế hệ trong mùa dịch, để khống chế mật độ muỗi ở mức hợp lý khi chúng đang có khả năng mang mầm bệnh là virus Dengue các tuýp, thì cũng có khả năng ngăn được bệnh sốt xuất huyết không phát thành dịch lớn. Có một kinh nghiệm được thực hiện đạt kết quả tốt, là cứ 5-7 ngày/lần, đóng kín các cửa sổ rồi dùng thuốc xịt muỗi dạng xông hơi khắp những nơi muỗi thường trú đậu trong nhà như: nơi treo móc quần áo, mùng, màng cửa, kệ sách…xong, mọi người ra khỏi nhà, đóng kín các cửa ra vào, vài giờ sau, mở thông các cửa và quét gom muỗi để tiêu hủy. Thả cảnh vào các chậu cây cảnh có chứa nước hoặc thường xuyên tuyên truyền tích cực cho cộng đồng là những biện pháp hữu hiệu. Khẩu hiệu “Không có muỗi vằn, không có loăng quăng, không còn sốt xuất huyết”! được phát huy tác dụng khingười người, nhà nhà, ngành ngành thực hiện đồng bộ, có biện pháp tốt nhất để phòng tránh dịch bệnh sốt xuất huyết. Ngoài việc phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng cách, khoanh vùng dập dịch kịp thời thì quan trọng hơn là cần phải ngăn chặn, hạn chế không cho muỗi vằn tiếp xúc với người. Cách hiệu quả nhất là tuyên truyền sao để mỗi người dân tự ý thức và tích cực diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng mọi lúc, mọi nơi, chứ không chỉ diệt lăng quăng, diệt muỗi theo kiểu chiếu lệ từng đợt khi xảy ra dịch như một số nơi đã và đang làm. Muốn như vậy, cộng tác viên chương trình, các cơ quan, đoàn thể, ban ngành cần phối hợp chặc chẽ trong tất cả các hoạt động phòng chống bệnh nhằm đem lại hiệu quả tối ưu cho công tác phòng ngừa căn bệnh này.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  5,297,602       1/586