Dưới mái trường

Gương sáng giảng viên: Cuộc hẹn cùng cô giáo “đa năng”

Ở Đại học Lạc Hồng, nếu bạn hỏi về cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh – Trưởng ngành Trung Quốc học thì giảng viên, sinh viên nào cũng biết đến. Cô Oanh thường được các bạn sinh viên Lạc Hồng gọi bằng một cái tên khác, hết sức dễ thương là “cô giáo đa năng”.

Sở dĩ các sinh viên gọi Cô với nick name như vậy bởi việc gì trong ngành Trung Quốc học nói riêng, trong khoa Đông Phương nói chung Cô đều tham gia nhiệt tình, có nhiều đóng góp tích cực và luôn luôn đặt lợi ích của các em sinh viên lên hàng đầu.

Hạnh phúc nhất khi làm một nhịp cầu

Trên chuyến xe đưa cựu sinh viên ra sân bay, người viết có dịp đi cùng và được nghe Cô chia sẻ về công việc của mình. Cô Hoàng Oanh cho biết, Cô là một người con của núi rừng Tây Nguyên. Cũng như bao đứa trẻ nơi đây, Cô lớn lên trong lam lũ nhưng bình yên như cây cỏ.

Gương sáng giảng viên: Cuộc hẹn cùng cô giáo “đa năng”

 

Cô Hoàng Oanh (đứng giữa) trong Lễ khai giảng chào đón tân sinh viên ngành Trung Quốc học

Năm 2004, nhờ một người bạn giới thiệu mà cô biết về trường Đại học Lạc Hồng để rồi sau đó một mình xách balo rời quê hương vào xứ Đồng Nai theo học ở ngôi trường này. Cô thích học ngoại ngữ và chọn học ngành Trung Quốc học bởi lúc đó, thông qua báo chí, Cô biết được nhu cầu tuyển dụng nhân sự có sử dụng tiếng Trung là rất lớn. Cô hy vọng học xong thì có thể tìm được một việc làm để trụ lại nơi đây. Những năm tháng sinh viên có lẽ là những năm tháng khó khăn nhất đối với Cô, bởi Cô phải sống xa nhà, một mình xoay xở vừa làm vừa học. Nhưng đây cũng là giai đoạn “lửa thử vàng”, tạo lập nền tảng kiến thức chuyên môn và những mối quan hệ xã hội rộng mở. Cô nói: “Cuối năm thứ 2 đại học, mình mạnh dạn nộp hồ sơ xin phỏng vấn vào một công ty Đài Loan, và mình đã trúng tuyển để được làm thêm ở đó. Sang năm 3 và năm 4 thì mình đã có rất nhiều bạn bè là người Trung Quốc. Mình trân trọng từng mối quan hệ, cố gắng mở rộng, duy trì, bồi đắp các mối quan hệ với họ cho đến tận bây giờ”.

Tốt nghiệp Đại học Lạc Hồng với thành tích vượt trội, Cô lựa chọn con đường như chính các thầy cô ở đây, mong muốn góp một phần nhỏ vào sự nghiệp trồng người. Vừa lái xe, Cô Oanh vừa trải lòng: “Tính đến nay, mình đã theo nghề giáo được 11 năm rồi, nhiều thế hệ sinh viên vào Trường rồi tốt nghiệp, mình thấy hạnh phúc bởi sinh viên của mình thành đạt và luôn nhớ về Trường, về thầy cô”.

Gương sáng giảng viên: Cuộc hẹn cùng cô giáo “đa năng”

Nhiều năm gắn bó ở Đại Học Lạc Hồng, cô Hoàng Oanh cho biết, điều khiến cô vui nhất, thoải mái nhất chính là bắc thêm những nhịp cầu kết nối doanh nghiệp. Với những hiểu biết sâu sắc về con người, văn hóa Trung Hoa trong quá trình học tại Đại học Lạc Hồng và du học ở Trung Quốc, Cô đã thiết lập được nhiều mối quan hệ tốt đẹp với các doanh nhân đến từ Trung Quốc, Đài Loan hiện đang đầu tư làm ăn và sinh sống tại Việt Nam. Cô trở thành cầu nối để sinh viên của mình đến thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, hoặc du học ở  những quốc gia, lãnh thổ này.

“Mama” của sinh viên ngành trung

Sự “đa năng” của cô Hoàng Oanh không chỉ ở góc độ giảng dạy, quản lý và mở đường để sinh viên đi vào doanh nghiệp mà còn ở chỗ Cô cũng là “mama”, là “friend” của các em sinh viên ngành Trung Quốc học. Khi được hỏi làm thế nào để Cô có thể hiểu hết được tường tận hoàn cảnh của sinh viên, cô Oanh cho biết: Nếu chỉ một mình tôi thì không làm được đâu, điều tôi cảm thấy may mắn hơn những người khác chính là bên cạnh luôn có những đồng đội tuyệt vời, cùng ý hướng, sẵn sàng lăn xả vì công việc chung. Nói thật, không phải đi đâu ta cũng may mắn gặp được những người tâm đầu ý hợp như thế. Cho nên, có những lúc sinh viên khó khăn nhưng các em không nói với tôi, nhờ những thầy cô khác trong ngành thông tin lại, tôi mới biết, rồi chúng tôi cùng nhau bàn bạc và tìm cách giúp đỡ các em. Thường thì sẽ đi vận động các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan – những người mà tôi đã quen biết từ trước đến nay – tặng học bổng cho các em để các em có tiền đóng học phí”.

Điều mà tôi muốn nói với các sinh viên của mình là các em hãy sống lạc quan, không ngừng cố gắng và nhất là phải thật thà. Sống cho mình, nhưng phải nghĩ cho những người xung quanh, biết ơn những người đã từng giúp đỡ mình lúc mình còn khó khăn” - cô Oanh nói thêm.

 

Rất nhiều sinh viên nghèo đang học ở ngành Trung Quốc học được nhận học bổng từ doanh nghiệp do cô Oanh làm cầu nối

Gương sáng giảng viên: Cuộc hẹn cùng cô giáo “đa năng”

Triệu Thị Hương – sinh viên năm thứ tư, ngành Trung Quốc học cũng tâm sự với ánh mắt đầy tự hào: "Cô Oanh không chỉ là người cô đơn thuần, mà cô giống như một người mẹ. Điều tuyệt vời nhất em thấy được là ở cô Oanh luôn có một nguồn năng lượng tích cực, khỏe khoắn và vững chắc."

“Tài sản” vô giá của ngành Trung Quốc học

Xin học bổng từ doanh nghiệp giúp các em sinh viên là ước mơ của cô Hoàng Oanh từ thời cô còn học đại học. Cô Hoàng Oanh là người không những có tâm mà còn có tầm. Thầy Phan Anh - Giảng viên ngành Trung Quốc học - nói: “Cô Oanh có tài ngoại giao, thiết lập mối quan hệ với doanh nghiệp cực kỳ tốt, tính tình cô ấy thẳng thắn và chân thành, nghiêm nghị nhưng giàu lòng nhân ái. Cũng chính nhờ vào tài năng ngoại giao mà trong những năm qua cô Oanh đã xin về cho ngành Ngôn ngữ Trung rất nhiều học bổng và tiền tài trợ cho các hoạt động khác của Ngành. Những đóng góp quý báu của cô Hoàng Oanh cho Ngành là vô giá và Cô cũng là tài sản vô giá của ngành Trung”.

TS. Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng cũng thông tin thêm: “Th.S Nguyễn Thị Hoàng Oanh là người sống rất chân thành, tình cảm, gần gũi với sinh viên. Nhiều sinh viên được viết tiếp ước mơ đại học nhờ nguồn học bổng từ các doanh nghiệp mà cô Oanh vận động được”.

Được biết, từ năm 2012, cô Hoàng Oanh đã vận động được các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan tài trợ học bổng cho sinh viên ngành Trung Quốc học của Đại học Lạc Hồng. Đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến tháng 9/2019, cô Oanh đã vận động các doanh nghiệp tài trợ cho sinh viên nghèo ngành Trung Quốc học số tiền 510 triệu đồng để các em đóng học phí, khoảng 800 triệu đồng cho các chuyến field trip tại Vũng Tàu và các chi phí hỗ trợ 44 sinh viên du học 2 tháng tại Đại học Bách Khoa Quế lâm (Trung Quốc).

 

 

Media theo Huyền

giảng viên, tiếng Trung


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        30,185,718       3/861