Dưới mái trường

Từ chối nhận học bổng – chuyện lạ có thật của nữ sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc

Đó là câu chuyện của bạn Huỳnh Thị Kim Vy – quê ở Gia Lai, hiện đang là sinh viên năm 3 ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, trường Đại học Lạc Hồng.

So với các bạn cùng trang lứa, Vy không được may mắn do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố mẹ đều làm nghề nông, lại thường ốm đau, bệnh tật. Do đó, học xong THCS, Vy phải xa gia đình, tạm biệt mảnh đất Gia Lai để xuống Đồng Nai làm công nhân, buổi tối thì tham gia học bổ túc văn hóa. Sau khi tốt nghiệp THPT, em đã nộp hồ sơ học kế toán ở một trường trung cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với mong muốn sau khi học xong trung cấp thì liên thông lên Đại học, nhưng không lâu thì Vy phải bỏ dở việc học do khó khăn về tài chính và tính chất công việc (công nhân) phải làm theo ca.

Bạn Huỳnh Thị Kim Vy (thứ 2 bên phải sang) 

Nhưng khát khao vào đại học vẫn nhen nhóm và âm ỷ cháy trong trái tim của cô gái có dáng nhỏ nhắn, mảnh khảnh. Em quyết định nộp hồ sơ vào Đại học Lạc Hồng và may mắn trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Số tiền em tiết kiệm được trong mấy năm làm công nhân được dùng để trang trải cho việc ăn học. Năm thứ nhất đại học đi qua êm đềm, nhưng bước sang năm thứ hai, gia đình của Vy gặp biến cố, trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và cú sốc về tâm lý khiến Vy chấp chới, mất phương hướng và muốn đầu hàng, bỏ cuộc. Nỗi buồn hiện rõ trên gương mặt cô sinh nghèo, và Vy đã chia sẻ toàn bộ câu chuyện của mình với cô Hoàng Oanh – trưởng ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Bằng tình thương và trách nhiệm, cô Oanh đã xin được gói học bổng từ doanh nghiệp trị giá 22.000.000 đồng để Vy tiếp tục có tiền đóng học phí và trang trải cho cuộc sống. Bên cạnh sự giúp đỡ về mặt vật chất, cô Oanh và tập thể ngành Ngôn ngữ Trung Quốc còn động viên em về mặt tinh thần, định hướng và dìu dắt Vy đi qua những ngày gian khó nhất.

Đối diện với nghịch cảnh và đi xuyên qua nó

Vy tâm sự: "Được sự động viên và đồng hành của thầy cô trường Đại học Lạc Hồng, đặc biệt qua những lần trò chuyện với cô Oanh, em đã trưởng thành lên rất nhiều, em vững vàng hơn và quyết không nhân nhượng với nghịch cảnh. Em muốn đối diện với khó khăn và tự mình đi qua nó. Em bắt đầu đi làm thêm. Được thầy cô trong Khoa Đông Phương tư vấn, em đã chọn các công việc và môi trường làm việc phù hợp cho sinh viên, như làm nhân viên thu ngân trong quán cà phê, siêu thị… Nhờ có vốn tiếng Trung mà em tích lũy được trong năm thứ nhất đại học, cuối tuần em làm phiên dịch cho các công ty/nhà đầu tư Trung Quốc ở Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh. Em làm việc đồng thời cho hai công ty, một công ty của Mỹ ở TP. Hồ Chí Minh và một công ty Trung Quốc ở Bình Dương, công việc chủ yếu là phiên dịch, biên dịch các tài liệu và chứng từ liên quan đến xuất nhập kho. Nhờ đó, em có thêm một khoản tiền để trang trải cho cuộc sống và em có thể đóng học phí để tiếp tục việc học”.

Hiện tại, em đã tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ, đủ để trang trải cho việc học và sinh hoạt đến năm thứ tư, nên em dành phần lớn thời gian tập trung cho việc học. Em muốn có một nền tảng kiến thức tốt, để có một tương lai vững chãi. Hiện tại, mức lương làm thêm của em khoảng 10.500.000 đồng/tháng, vẫn thấp hơn các bạn khóa 15 ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Đại học Lạc Hồng (tức sinh viên năm 4). Các bạn ấy đang trong kỳ thực tập nhưng mức lương cao hơn em rất nhiều, từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng/tháng.

Từ chối nhận thêm học bổng

Được biết, hiện nay Đại học Lạc Hồng có rất nhiều chính sách học bổng hỗ trợ cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên nghèo vượt khó. Ngoài nguồn kinh phí của Trường, các doanh nghiệp đã và đang hợp tác với Đại học Lạc Hồng cũng có học bổng cho sinh viên. Nhưng Vy đã từ chối không nhận các suất học bổng đó, bởi em biết còn rất nhiều bạn sinh viên nghèo như em, và em muốn nhường lại những phần học bổng này cho các bạn sinh viên nghèo hơn. ThS Hoàng Oanh – Trưởng ngành Ngôn ngữ Trung Quốc cho biết: “Vy là một sinh viên giàu bản lĩnh và lòng tự trọng, luôn mạnh mẽ và vượt lên nghịch cảnh, một sinh viên có ý chí tuyệt vời ”.

 “Chừng nào không cố được nữa, em lại tìm các thầy cô trong khoa Đông phương nói riêng và Đại học Lạc Hồng nói chung. Trong tâm trí em, Đại học Lạc Hồng không chỉ là trường đại học, đây cũng là gia đình thứ hai của em” – Vy chia sẻ.

Media_theo Huyền

Học bổng, sinh viên, khó khăn, khát khao, quyết định, trưởng thành, trang trải, cuộc sống, ...


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        30,190,727       3/865