Tin tức

SKKN 2020: Giải pháp "Phương pháp xin tài trợ Doanh nghiệp và tuyên truyền quảng bá chuyên ngành"

Tác giả/ Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Hoàng Oanh - Hoàng Tiến Dũng - Phan Thế Anh

Đơn vị: Khoa Đông phương học

Giải pháp đã đạt được Giải Nhất trong Hội thảo báo cáo Giải pháp Sáng kiến kinh nghiệm năm 2020.

  1. Bối cảnh của giải pháp:

    Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc  trường Đại học Lạc Hồng được thành lập năm 2002, với tiền thân là ngành Trung Quốc học, là ngành học đầu tiên của khoa Đông phương học. Trong thời kỳ đầu lúc mới thành lập, chuyên ngành Trung Quốc học thu hút được một lượng lớn sinh viên theo học, như khóa 2002 có 7 lớp với sĩ số khoảng 50 sv/lớp, các khóa 2003-2004-2005 duy trì tuyển sinh 2 lớp 1 năm với sĩ số cũng khoảng 50sv/lớp, qua năm 2006 thu hút được 4 lớp với khoảng gần 200 sinh viên. Tuy nhiên do nhiều lý do như nhu cầu của Doanh nghiệp với nhân lực ngành tiếng Trung, chất lượng giảng dạy, sự quan tâm chăm sóc với sinh viên nên số lượng sinh viên theo học ngành Trung Quốc học ngày càng ít đi, theo đó từ khóa 2007 đến khóa 2012, số lượng sinh viên theo học từng năm chỉ còn được 1 lớp, sĩ số cũng chỉ còn 20~30 sv/khóa; đến năm tuyển sinh 2013, chịu ảnh hưởng bởi tình hình quan hệ Việt - Trung không ổn định dẫn đến việc chỉ tuyển được 15 sinh viên và đứng trước nguy cơ không mở được lớp mới, nếu tiếp tục tình trạng này trong 3 năm tiếp theo sẽ là đóng cửa chuyên ngành. Để có thể mở khóa mới 2013 và duy trì các lớp hiện có (3 lớp), đẩy mạnh số lượng tuyển sinh cho các năm sau, giảng viên chuyên ngành bắt buộc phải tham gia vào công tác tuyển sinh, đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sinh viên đã, đang và sẽ là sinh viên của ngành Trung.    

  1. Giải pháp cải tiến:
  2. Tạo dựng tốt mối quan hệ với bên doanh nghiệp để xin tài trợ, học bổng

Mối quan hệ hợp tác giữa ngành và doanh nghiệp được hiểu như là những giao dịch giữa ngành và các tổ chức sản xuất kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên. Đẩy mạnh việc hợp tác này và khai thác giá trị của nó có thể giúp ngành tháo gỡ những khó khăn về tài chính, giúp các doanh nghiệp đạt được những mục đích nhất định.  Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của ngành ở các hạng mục như: Quảng bá công ty và dịch vụ công ty, tuyển dụng, phiên dịch thời vụ…; về phía chuyên ngành, chuyên ngành cần sự hỗ trợ của các công ty ở các mảng: Tạo cơ hội cho sinh viên tiếp xúc Doanh nghiệp, nâng cao ngoại ngữ, giải quyết công việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và xin học bổng cho sinh viên. Có thể thấy đây là mối quan hệ dựa trên sự hữu hảo và hỗ trợ lợi ích lẫn nhau. Vậy để gắn kết mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chuyên ngành, chúng tôi đã có các bước đi như sau:

Thứ nhất là tạo dựng mối quan hệ thân thiết với doanh nghiệp qua các hoạt động hỗ trợ liên tục như: hỗ trợ dịch thuật, giúp tìm kiếm nhân sự (không chỉ là giới thiệu sinh viên trong trường mà cả sinh viên và người ứng tuyển ngoài trường), giới thiệu mối làm ăn (kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp), hỗ trợ các chuyên gia nước ngoài trong các công việc riêng (khám chữa bệnh), thường xuyên gây dựng quan hệ qua các buổi gặp gỡ cà phê và ăn uống.

  • Hình 1: Cô Hoàng Oanh gặp gỡ ông Trịnh Hạ - trưởng hiệp hội doanh nghiệp Tứ Xuyên – Trùng Khánh

Thứ hai là kết nối quan hệ giữa ngành, sinh viên với doanh nghiệp. Thông qua các mối quan hệ đã có sẵn, chuyên ngành thường xuyên tổ chức các hoạt động câu lạc bộ tiếng Trung kết hợp với giao lưu khách mời nước ngoài và tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu của 2 bên là sinh viên và doanh nghiệp, một bên cần giao lưu và tìm kiếm việc làm, một bên là tuyển dụng. Các hoạt động này thường tổ chức 6 lần 1 năm, trong đó có 2 lần tổ chức dã ngoại giao lưu tìm kiếm việc làm, các lần còn lại cũng đều có khách mời người nước ngoài thân thiết tham dự. Ngoài ra còn tổ chức các hoạt động hùng biện tiếng Trung, tìm kiếm tài năng ngành Trung, tạo cơ hội mời doanh nghiệp về tham gia và làm BGK chấm điểm, quảng bá rộng rãi về hình ảnh sinh viên chuyên ngành đối với doanh nghiệp.

Hình 2: Các doanh nghiệp tham gia làm BGK các hoạt động CLB tiếng Trung và hoạt động  doanh nghiệp tuyển dụng sau các hoạt động

    Sau các buổi hoạt động được tổ chức, luôn gắn với phần tuyển dụng tại hiện trường, kết nối chặt chẽ giữa bên tuyển dụng và sinh viên, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của hai bên về việc làm.

    Thứ ba là tổ chức dẫn sinh viên đi tham quan và phỏng vấn tìm việc làm trực tiếp tại các doanh nghiệp. Dựa trên các mối quan hệ thân tình có sẵn với các Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan (TQ) , thay vì thụ động cho sinh viên tự đi xin việc, ngành cũng chủ động dẫn dắt sinh viên đi tham quan và phỏng vấn tìm việc qua đó nhanh chóng giải quyết được việc làm cho sinh viên. Ví dụ như năm 2019, ngành đưa sinh viên khóa 2015 đi thăm hiệp hội doanh nghiệp Tứ Xuyên-Trùng Khánh tại Bình Dương, và trong một ngày đi tham quan hiệp hội, tất cả sinh viên ngành Trung khóa 2015 đã có được việc làm ngay, trong đó có 6 em xin được tài trợ học bổng đi du học Trung Quốc và hè 2019, mỗi em 20 triệu.

  • Hình 3: Ngành dẫn sinh viên K2015 đi tham quan và phỏng vấn xin việc tại hiệp hội Tứ Xuyên – Trùng Khánh năm 2019

     Thứ tư là sau các hoạt động của CLB, hay các dịp lễ tết, chuyên ngành cũng thường xuyên có các hoạt động tri ân với các doanh nghiệp đã tài trợ. Những món quà tri ân có thể là món quà rất nhỏ nhưng có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với các doanh nghiệp như: Thư cảm ơn của lãnh đạo nhà trường, giấy khen, ly tách, tranh ảnh v.v. nhưng trên hết là sự chân thành và biết ơn từ phía chuyên ngành đã giúp cho doanh nghiệp cảm thấy sự ấm áp và nồng nhiệt của thầy trò, tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục tài trợ và ủng hộ.

  • Hình 4: Thầy Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu trưởng nhà trường trao thư cảm ơn cho các doanh nghiệp tài trợ học bổng năm 2019
    1. Đẩy mạnh công tác quảng bá truyền thông

     “Áo gấm không thể đi đêm”, các hoạt động tiêu biểu của chuyên ngành cần được quảng bá một cách hiệu quả không chỉ với thầy trò ngành Trung mà còn cả với xã hội, do đó, kể từ năm 2013, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc luôn quan tâm và thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá truyền thông giáo dục bằng các trang mạng xã hội. Hiệu quả của hoạt động quảng bá truyền thông này đã hỗ trợ tích cực cho công tác đào tạo và hoạt động của ngành, góp phần quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu ngành. Chuyên ngành tạo ra các kênh liên lạc giữa chuyên ngành với doanh nghiệp, giữa chuyên ngành với sinh viên và doanh nghiệp qua các kênh như sau:

    Thứ nhất là facebook, nhóm FB chính thức của ngành ngôn ngữ Trung hiện có hơn 8.000 thành viên (đa phần là sinh viên và doanh nghiệp), chia sẽ thông tin việc làm, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động, giải đáp những thắc mắc trong quá trình học tập. Trong giai đoạn tuyển sinh khó khăn, chuyên ngành thường xuyên kết nối doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và ứng viên vào nhóm FB của ngành, mặt khác thường xuyên đưa các thông tin tuyển dụng để tạo niềm tin về việc học tiếng Trung “ra trường có việc làm ngay, đúng chuyên ngành và lương hấp dẫn”. Thông qua kênh FB, cũng thường xuyên đưa các hình ảnh học tập và video học tập của sinh viên lên, giúp doanh nghiệp và các giới trong xã hội được thấy và theo dõi sự tiến bộ của sinh viên chuyên ngành, tạo sức ảnh hưởng nhất định trong xã hội.

    Thứ hai là wechat, ứng dụng nền tảng xã hội mạnh mẽ được các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng rộng rãi. Trước và sau các hoạt động của CLB, ngành tạo ra các nhóm chát kết nối giữa doanh nghiệp và sinh viên, duy trì và phát triển chúng thành cầu nối hữu ích giữa doanh nghiệp với sinh viên. Qua cầu nối này, rất nhiều sinh viên trước và sau khi ra trường đã có được việc làm ngay, lương cao.

    Ngoài ra, ngành còn tạo các nhóm chát zalo của các lớp, các khóa học, giúp cho thông tin của trường, khoa, ngành được truyền đạt thông suốt và nhanh nhất đến với sinh viên. Qua kênh zalo, cũng giúp cho GVCN nắm được tâm tư, tình cảm của lớp, giữ cho lớp đoàn kết và phát triển, hạn chế tình trạng sinh viên nghỉ học.

Hình 5: Hình ảnh nhóm FB/wechat và zalo của ngành Trung

  1. Kết quả, những lợi ích đem lại

Thành quả sau khi  thực hiện giải pháp (2013-2019) được thể hiện rõ như sau.

Thứ nhất là lượng sinh viên đầu vào của chuyên ngành liên tục tăng kể từ năm 2013 đến nay:

Biểu đồ 1: Số lượng sinh viên đầu vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc giai đoạn 2013 - 2019 (đơn vị: sinh viên) – nguồn: quản sinh khoa Đông phương học

     Thứ hai là số tiền tài trợ của doanh nghiệp ngày càng nhiều sau các hoạt động do chuyên ngành tổ chức, qua đó nâng tầm các hoạt động của chuyên ngành lên mức độ cao hơn, cụ thể như biểu đồ phía dưới:

Biểu đồ 2: Thành tích xin tài trợ doanh nghiệp của ngành Ngôn ngữ Trung Quốc giai đoạn 2013-2019 (đơn vị: Triệu VNĐ)

Thứ ba là công tác đào tạo, chất lượng của sinh viên chuyên ngành ngày một nâng cao và đạt được những thành tự rất khả quan như: Sinh viên liên tiếp đạt giải trong các cuộc thi chuyên ngành quốc tế như “ Nhịp Cầu Hán ngữ sinh viên thế giới” từ 2016 đến nay, giành được 3 giải 3 và 5 giải khuyến khích; có 3 sinh viên đạt HSK cấp 6 (cấp độ Hán ngữ cao nhất) đủ trình độ để học đến tiến sĩ.

Thứ tư là sinh viên ra trường đều có việc làm ngay và có nhiều em đạt được mức lương và vị trí cao trong công việc. Ví dụ như em Nguyễn Thị Minh Doan khóa 2015 có được mức lương 25 triệu sau 4 tháng đi làm; hay Lê Trọng Khải khóa 2015 được đề bạt làm trưởng phòng cũng sau 4 tháng làm việc tại doanh nghiệp.

Thứ năm là về hợp tác Quốc tế  và Quan hệ Doanh nghiệp, hiện đã ký MOU với 4 trường Đại học tại Trung Quốc, thực hiện kế hoạch hằng năm đưa sinh viên đi học hè và thực tập tại Trung Quốc (năm 2019 có 46 em du học ngắn hạn tại Quế Lâm, Trung Quốc). Trong năm 2019, số tiền tài trợ và học bổng doanh nghiệp đã lên đến 1 tỷ 22 triệu đồng.

  1. Đề xuất phạm vi ứng dụng:

Sáng kiến kinh nghiệm này có thể được áp dụng ở cấp độ chuyên ngành trong toàn trường. Sáng kiến đưa ra các giải pháp từ thiết lập mối quan hệ, giữ mối quan hệ và phát triển mối quan hệ giữa chuyên ngành với các doanh nghiệp. Mặt khác cũng đưa ra một số các giải pháp khác về truyền thông quảng bá, tạo sức ảnh hưởng của chuyên ngành với xã hội, phục vụ cho công tác tuyển sinh.

Sáng kiến xin tài trợ và truyền thông quảng bá, giúp duy trì và phát triển hoạt động của chuyên ngành hiện đã và đang thực hiện tốt tại chuyên ngành ngôn ngữ Trung Quôc, đây là giải pháp quản lý hành chính đồng bộ, phối hợp giữa nhiều phía từ giảng viên đến sinh viên, doanh nghiệp. Để thực hiện được giải pháp này cần xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt để thực hiện các công tác tổ chức hoạt động câu lạc bộ chuyên ngành, xin tài trợ và quảng bá truyền thông. Theo đó giải pháp được xây dựng từ đội ngũ cốt cán, đội ngũ này cần cùng một chí hướng, quyết tâm với nhau; biết chia sẻ, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới và đầy tính kỷ luật.

Sáng kiến này nếu thực hiện ở mức độ lớn thì có thể dành cho chuyên ngành. Nếu ở mức độ nhỏ hơn thì thực hiện riêng lẻ cho công tác Đoàn - Hội, CLB chuyên ngành hay công tác quảng cáo truyền thông tuyển sinh.

Nghiên cứu khoa học

SKKN 2020, giải pháp, sáng kiến


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        1,233,905       1/735