Tin tức

Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh & 50 năm thực hiện Di chúc của Người

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù (còn gọi là Làng Chùa),xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là Hoàng Thị Loan.

Từ lúc sinh ra đến 5 tuổi, Nguyễn Sinh Cung sống trong sự chăm sóc đầy tình thương yêu của gia đình, đặc biệt là ông bà ngoại. Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung theo gia đình vào sống ở Huế. Đầu năm 1901, sau khi thân mẫu qua đời, Nguyễn Sinh Cung lại theo cha trở về Nghệ An, rồi lấy tên là Nguyễn Tất Thành, tích cực học chữ Hán và còn theo cha đi một số nơi, học thêm nhiều điều. Năm 1906, Nguyễn Tất Thành lại theo cha vào Huế, thoạt đầu học trường Pháp - Việt, sau học trường Quốc học Huế. Khoảng cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định, tháng 8/1910 vào Phan Thiết, làm giáo viên trường Dục Thanh. Tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn. Ngày 5/6/1911 với tên gọi mới là Văn Ba, lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng đi Mácxây (Pháp).

Hình 1:  Bến Nhà Rồng nơi Người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước

Người thanh niên Nguyễn Tất Thành với hành trang là chủ nghĩa yêu nước – nhân văn Việt Nam và khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc. Trải qua hơn 30 năm bôn ba khắp năm châu để tìm đường cứu nước, người vừa lao động vừa học tập, nghiên cứu lý luận và nhất là qua thực tiễn đấu tranh cách mạng phong phú ở nhiều nước.

Người đã thấy vấn đề giải phóng dân tộc và con người là nhu cầu cấp thiết không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các dân tộc thuộc địa và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới. Tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, bằng trí tuệ thiên tài, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất của thời đại mới mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã đi tới khẳng định : "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".

Giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam bế tắc về đường lối và tổ chức lãnh đạo, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cách mạng vô sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước đồng bào quốc dân và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập”.

Hình 2: Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 

Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của ta đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng đã sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng xây dựng đường lối “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, lãnh đạo nhân dân phát huy cao độ lòng yêu nước, khí phách anh hùng, đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, ánh sáng chân lý của thời đại, tấm lòng của Người luôn hướng về nhân dân các dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng, cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, kiên cường, trong sáng, suốt đời chiến đấu cho hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc và tiến bộ xã hội.

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ buổi sáng thứ hai ngày 10/5/1965

“Tài liệu Tuyệt đối bí mật” có thể coi là tên gọi đầu tiên của bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo hồi ký của ông Vũ Kỳ - thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Bác Hồ suy nghĩ về việc này từ đầu những năm 60, sau khi dự Hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế từ Mátxcơva trở về. Những bất đồng dẫn đến bất hòa giữa các Đảng anh em, nhất là trong việc đánh giá kẻ thù, càng làm cho Bác suy nghĩ nhiều”.

Hình 3: Những bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bản Di chúc của Người.

Nhưng đến năm 1965, khi tròn 75 tuổi, Người mới bắt đầu viết. Trước khi viết, Hồ Chủ tịch đã về thăm Nguyễn Trãi, một vị anh hùng, một nhà tư tưởng, nhà thơ yêu dân. Đến đúng 9h sáng 10/5/1965, Người đặt bút viết dòng đầu tiên, đó là câu: “Tài liệu tuyệt đối bí mật”.

Ông Vũ Kỳ nhớ lại: “Tôi nhớ mãi sáng tháng 5 ấy. Trời cao và trong xanh. Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời Ba Đình. Phía đầu hồi nhà sàn, chim nhảy chuyền cành, gọi nhau ríu rít. Đó là buổi sáng thứ hai, ngày 10/5/1965 không thể nào quên. Khắp nơi trong cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích mừng thọ Bác Hồ 75 tuổi. Bác vẫn ung dung như thường lệ. Từ 7h sáng, tại phòng khách cạnh nhà ăn phía bên này hồ, Bác ngồi nghe đồng chí Bộ trưởng Giao thông Vận tải đến báo cáo về con đường chiến lược qua đất Lào. Bác chăm chú nghe, thỉnh thoảng hỏi thêm, rồi căn dặn một số vấn đề.

Tôi theo Bác lên nhà sàn, báo cáo công việc chính trong tuần. Cành phượng là là trên mặt nước, nụ hoa đã nở đỏ. Đàn cá đớp động, đáy nước lung linh mây trời. Đúng 9h, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã được suy ngẫm từ lâu. Phòng làm việc trên nhà sàn càng yên tĩnh. Gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn.

Chính vào giờ phút đó, Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau.

Bác chọn đúng một ngày tháng 5, nhân dịp sinh nhật của mình, đúng lúc 9h, giờ đẹp nhất của một ngày, chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây để viết về ngày ra đi của mình, sao mà thanh thản, ung dung đến thế!

Trong tình hình đất nước và thế giới đang có những diễn biến phức tạp, việc Bác Hồ quyết định viết rõ “những lời dặn lại” là rất cần thiết và đúng lúc. Đúng 10h, một giờ đã trôi qua, Bác gấp những tờ giấy “tuyệt đối bí mật” lại, cẩn thận cho vào phong bì rồi để vào ngăn trên giá sách.

Bác Hồ lại ung dung, thanh thản trở lại công việc hằng ngày của vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, của người hoạt động không biết mệt mỏi cho phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”.

Tới “thông lệ đặc biệt” trong những ngày tháng 5

Cũng theo hồi ký “Bác Hồ viết Di chúc” của ông Vũ Kỳ, sáng thứ 2 ngày 10/5/1965 ấy, đến 10 giờ, Bác viết xong phần mở đầu. Bác xếp tài liệu lại và chuyển sang làm các công việc thường ngày. Các ngày tiếp theo (ngày 11, 12 và 13/5/1965), cũng vào giờ đó (từ 9 giờ đến 10 giờ - vào khoảng thời gian vẫn được xem là lúc con người minh mẫn, sảng khoái nhất), Bác viết tiếp các phần còn lại. Cứ viết đến 10h thì Người lại bỏ tài liệu vào một bì thư đưa ông Kỳ cất giữ hôm sau lấy ra.

Riêng ngày 14/5/1965, do buổi sáng có lịch đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển viết Di chúc sang buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 giờ đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong bản Di chúc và cho vào phong bì. Đến 21 giờ hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho ông Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”. Dù là ngày 14 nhưng Bác lại đánh máy dòng chữ “Hà Nội ngày 15/5/1965” và ký tên Hồ Chí Minh. Bên cạnh có chữ ký của ông Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa III). Đến ngày 20/5, Người lại đọc, sửa tài liệu xong lại bỏ vào bì thư cất đi.

Đúng như lời Bác dặn dò, tròn một năm sau, ngày 10/5/1966, ông Vũ Kỳ lại đặt chiếc phong bì “Tài liệu Tuyệt đối bí mật” trên bàn làm việc của Bác. Nhưng hôm ấy, Bác không viết gì thêm. Trong những ngày 11,15,16/5 sau đó, Bác đều dành một giờ, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, xem lại, bổ sung tài liệu.

Liền trong bốn năm sau đó: 1966, 1967, 1968 và 1969, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác lại đọc “Tài liệu Tuyệt đối bí mật”, xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời, qua đó, thêm bớt, sửa chữa hoặc viết lại những câu, những phần cần thiết.

 Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19/5/1969, Bác sửa lần cuối.

Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành 5 năm cuối cùng của cuộc đời này, dành những thời khắc ý nghĩa, thiêng liêng đối với Người, dành hết tâm huyết cho bản Di chúc mà 50 năm qua đã trở thành áng văn kiện lịch sử, có ý nghĩa giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt.

Ngày 9/9/1969, trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã xúc động công bố bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là bản Di chúc hoàn chỉnh được ghép nối từ các bản Di chúc mà Bác Hồ đã viết và sửa chữa, bổ sung hoặc thay thế trước đó.

Theo Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2007, Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) họp chiều ngày 3/9/1969 đã giao cho Bộ Chính trị trách nhiệm công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Di chúc được công bố chính thức chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, trong đó có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và năm 1969.

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) khẳng định bản Di chúc đã công bố bảo đảm trung thành với bản gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc chọn bản Di chúc Bác viết năm 1965 để công bố chính thức là đúng đắn, vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ. (Theo Congluan.vn).

Đảng Ủy

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        4,146,455       6/847