Trường Đại học Lạc Hồng là đơn vị đầu tiên tại Đồng Nai đào tạo Ngành Dược, hệ đại học chính quy. Với chiến lược đi tắt đón đầu, trường đã mau chóng đầu tư hệ thống thiết bị thực hành hiện đại nhập khẩu từ các nước có công nghệ y dược nổi tiếng thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức…
Hiện đại ngay từ đầu ...
Trang thiết bị thực hành được nhập từ những nước có công nghệ dược hàng đầu thế giới
Trưởng khoa Dược học, tiến sĩ Nguyễn Tài Chí cho biết, hệ thống thiết bị thực hành ngành dược học của Trường ĐH Lạc Hồng thuộc loại đầy đủ và hiện đại nhất, không có trường nào tại Đồng Nai đào tạo ngành dược học được đầu tư mạnh như vậy. Thậm chí có một số thiết bị đắt tiền, ngay cả những trường y dược lớn cũng chưa được đầu tư. Các thiết bị thực hành được nhập từ Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản, là những nước có công nghệ dược hàng đầu thế giới.
Bên cạnh những thiết bị thực hành cơ bản, trường đã có nhiều máy thuộc loại “hiếm” tại Việt Nam, như: Máy chụp ảnh gel điện di multidoc điện tử, Máy đo quang 2550 UV-VIS, Máy khuấy từ MS7-H550-S, Máy lắc ủ nhiệt BIO TDB-100, Máy li tâm lạnh 5415R, Máy Voltex mixer, Máy điện tim, Máy đo đường huyết, Tủ ấm vi sinh IN55, Tủ bảo quản mẫu MDF-U5312 âm 30 độ C. Trường đang khẩn trương và đàm phán với các đối tác để nhập về một số thiết bị thực hành đắt tiền khác để phục vụ sinh viên thực hành.
Trường ĐH Lạc Hồng thành lập một cơ sở riêng chỉ dành cho ngành dược học, trong đó có 10 phòng thí nghiệm hiện đại, có gắn hệ thống máy chiếu, điều hòa nhiệt độ thoáng mát, theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, phục vụ sinh viên thực hành không hạn chế. Một số thiết bị thực hành, trong đó có kính hiển vi điện tử nổi tiếng của Tập đoàn Olympus Nhật Bản, đảm bảo mỗi sinh viên một kính, không phải dùng chung khi thực hành.
Sinh viên Dược chia nhóm làm thực hành tại phòng thí nghiệm riêng biệt
Ngành học chiến lược
Phó Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Hóa, người có kinh nghiệm lâu năm tại Trường ĐH y dược TP.Hồ Chí Minh, hiện là cố vấn đào tạo cho Khoa Dược của Trường ĐH Lạc Hồng cho rằng, máy móc được quan tâm đầu tư hiện đại, tuy đội ngũ khoa dược của trường mới thành lập, nhưng quy mô đào tạo phù hợp càng trở nên quan trọng hơn. Hiện Khoa Dược có 20 cán bộ, giảng viên, trong đó có 4 Phó Giáo sư từng công tác tại Trường ĐH Y Hà Nội, Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Y Dược Huế. Có 13 giảng viên đang được đào tạo trình độ thác sĩ tại Trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh, một số đang theo học trình độ thạc sĩ và tiến sĩ tại Singapore và Pháp, sau đó trở về tiếp tục công tác giảng dạy tại trường.
Sinh viên Khoa Dược sẽ được đào tạo trong thời gian 5 năm, theo chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT và những giáo án tiên tiến về công nghệ dược của thế giới. Định hướng đào tạo của trường sẽ là chuyên sâu, bào chế và công nghiệp dược. Ngoài thực hành trên máy tại trường, sinh viên còn được tham quan thực tập tại các công ty dược của Mỹ, Pháp, Nhật Bản đang có nhà máy sản xuất dược phẩm tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và ở các bệnh viện lớn.
Dược sĩ Trần Tấn Lẹ Phó trưởng khoa Dược cho biết, quá trình học của sinh viên ngành dược sẽ đảm bảo chất lượng, tuân thủ theo hướng phát triển khoa học dược hiện đại của thế giới, sinh viên ra trường có đủ kiến thức và y đức của ngành dược. Những sinh viên học ngành dược tại Trường ĐH Lạc Hồng khi ra trường có thể làm việc trên 5 lĩnh vực chuyên môn, gồm: Bào chế công nghiệp dược, dược lí lâm sàng, dược liệu - dược cổ truyền, kiểm nghiệm và quản lí dược.
“Trường ĐH Lạc Hồng đã và đang đi tắt đón đầu để sớm có một chuyên ngành đào tạo dược học chất lượng cao, có sức cạnh tranh, đáp ứng nguồn nhân lực đang thiếu hụt. Nhà trường đã có đủ lực và sẵn sàng đầu tư mạnh cho ngành dược theo hướng thiết bị thực hành tốt nhất, đội ngũ giảng viên tinh túy nhất để cho ra đời những dược sĩ đại học tốt nhất” - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Đỗ Hữu Tài.
Tại Hội nghị Khoa học - Công nghệ tuổi trẻ các trường Đại học, Cao đẳng Y - Dược Việt Nam năm 2014, Trường ĐH Lạc Hồng có 4 đề tài trình bày thì 3 đề tài đoạt giải Nhì, gồm các đề tài: “Nghiên cứu vật liệu nano đồng và khả năng ứng dụng” của Thạc sĩ Cao Văn Dư; “Nghiên cứu Ecotin miniproinsutin từ tế bào gốc Esecherichia coli tái hợp” của Thạc sĩ Mai Hương Trà; “Nghiên cứu chế tạo nano Plymer ketopfen” của thạc sĩ Lê Ngọc Thành Nhân. Riêng Thạc sĩ Lê Ngọc Thành Nhân còn đoạt giải ba với đề tài “Nghiên cứu báo chế thuốc Ketoprogen 30mg”.
|