Tôi thích gọi nơi đã cho tôi nhiều cảm xúc; cho tôi xin kiến thức và cho tôi trưởng thành từ những kỹ năng Đoàn Hội trong suốt những năm đại học đơn giản là Lạc Hồng. Mà không phải bằng cái tên rườm rà nào hết. “Lạc Hồng”, hai tiếng ấy như câu cửa miệng hơn là một phát ngôn toan tính câu chữ màu mè; vì rằng, sự thân thiết giữa chúng tôi bây giờ khó dùng từ ngữ nào để đong đếm.
Ở Lạc Hồng, niềm vui lớn nhất với tôi là những bài học kỹ năng cùng các anh chị và bạn bè trong các hoạt động Đoàn Hội.
Với bất kỳ một sự sắp đặt nào, dù là ngẫu nhiên hay có bàn tay chi phối, cũng sẽ đẩy người ta vào những hoàn cảnh khác nhau. Và sau những khúc ngoặt đó, con người sẽ phải chịu những tác động khác nhau. Hoàn cảnh, cơ hội, động lực… tất cả đều đòi hỏi trước tiên là sự nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân. Hoàn cảnh, chúng đóng vai trò tối trọng trong việc hình thành nên từng cá thể - nhân cách, lối hành xử, lối suy nghĩ, vân vân. Tôi học Lạc Hồng trọn vẹn những năm đại học, trọn vẹn trãi qua những cảm xúc đón người mới, đưa người cũ; chỉ để hiểu ra điều đó, chỉ để biết rằng chính cái môi trường như hai bàn tay mềm này đã nhào nặn nên mỗi chúng tôi hôm nay. Và bè bạn, những người cùng “thời” thì lúc nào cũng bên cạnh, như những ngón tay thuần thục nhất, uốn nắn, gây dựng nên tôi.
Con người tôi, sau những năm đại học, sau bao hành trình xanh tình nguyện, đã thay đổi đi nhiều. Để nhận ra sự thật đó, tôi không soi mình trong gương, không soi mình vào quá khứ của những năm sinh viên năm nhất, năm hai. Tôi soi mình vào bè bạn và kết quả hôm nay.
Mùa hè năm 2009 có lẽ là thời khắc đặc biệt nhất trong thời sinh viên của tôi. Không một chút kí ức nào bị vương vãi. Tôi gói ghém rất kỹ trong hành trang của mình. Thời điểm đó, Lạc Hồng có chuyến mùa hè xanh ra tới miền Trung xa xăm. Thử thách với hơn 1000 cây số cho cả đoàn gồm 12 thành viên. Đây là chuyến hành trình đặc biệt. Sự ngẫu nhiên cho tôi gặp gỡ với rất nhiều con người, làm quen với khó khăn khi xa gia đình, rèn cho tôi kỹ năng sống tự lập và tôn trọng kỹ luật tập thể; kỹ năng làm việc nhóm; phải đoàn kết khi thiếu thốn vật chất, khi rơi vào tình huống nằm ngoài dự đoán; giữ cho tôi nước mắt khi thất bại, nụ cười hân hoan khi chiến thắng khó khăn… Là sinh viên, nhưng chưa một lần thấm thía cảnh xa nhà. Vậy mà, cô sinh viên chưa từng xa mẹ đã học được cách biết chia sẽ, nhường nhịn và yêu thương mọi người, học biết khó mà cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của trưởng đoàn phân công và học quy luật “một cây làm chẳng nên non” … Cả ngàn cây số, tôi hiểu còn nhiều nơi đói khổ, còn nhiều mái ấm tình thương cần sự nhân ái.
Từ một góc trời xa lạ, nhờ vào Lạc Hồng, đưa tôi và các bạn đến với những cái nắng rạn da của trời miền Trung. Tất cả hiện lên sinh động trong kí ức của tôi qua những đoạn đường mòn vào khu dân tộc, qua buổi tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch với người dân địa phương, qua vài giờ đồng hồ ca hát và tìm hiểu ý nghĩa của từng bức tranh của các em trong mái ấm Tình Hồng. Tôi chia tay những con người đáng mến ấy, khép lại cuộc hành trình trong buổi sớm Thừa Thiên trời đầy gió. Tất cả bay vào bầu trời nhiều mây, kéo tôi trở lại một Biên Hòa ồn ào thường nhật.
Chính hoạt động tình nguyện sâu sắc kia đã làm tình yêu của tôi với Lạc Hồng thêm phần đầy đặn. Chính nơi này tôi đã chứng kiến biết bao hành trình như thế, những giọt nước mắt lắng lại sau buổi chia tay, và những kết nối không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Mùa hè năm đó, tôi đã sống bằng những giây phút đáng nhớ và rõ ràng hơn bao giờ hết.
Lạc Hồng trong cái nhìn ấy, chuyển mình không ngừng. Dưới tầm nhìn chiến lược lâu dài, những mối liên kết với nhiều nền giáo dục cấp tiến cho chúng tôi những tầm nhìn mới lẫn kỹ năng sống mà một người trẻ trong xã hội hiện đại cần rèn dũa để trở nên vừa Hồng vừa Chuyên. Lạc Hồng hôm nay đã mở ra nhiều hướng phát triển mới cho sinh viên, cho chúng ta nhiều cơ hội mà năm mười năm trước ít ai dám mơ tới. Cho sinh viên kiến thức chuyên sâu, tiến tới sân chơi quốc tế, và rèn luyện kỹ năng cho người sẽ làm chủ tri thức. Và nhờ vậy, tôi thấy mình như bị cột chặt trong những mối quan hệ người đi học, người cống hiến, kì lạ, đẹp không ngờ.
Lạc Hồng là nơi những sinh viên Việt tứ xứ không hẹn mà gặp. Tôi quen những con người các tỉnh vùng cao hiền hòa, những sinh viên Bình Định, Quảng Trị nói giọng ngồ ngộ, những khuôn mặt Cà Mau đáng quý, … Họ tập hợp những cá thể riêng biệt, như trăm hoa gieo trong một vuông vườn, tỏa ngàn mùi hương lạ. Tôi không thể quên những giờ học chuyên ngành với các chuyên gia nước ngoài, những bài thuyết trình về văn hóa của ngành học, những giờ tự học đã thành lệ với những slide nhiều màu, ít chữ.
Ở Lạc Hồng, một cơ may khác của tôi là thầy cô. Người dày dặn kinh nghiệm thì như những củ gừng cay nơi góc sân vườn. Họ tâm huyết và đầy nhiệt tâm, mang đến cho tôi không chỉ cái chữ mà lồng vào đó cả những trãi nghiệm sâu xa với đời. Người trẻ thì như những lá nghệ đang hứng sương mai tinh khiết, xanh và thẳng. Khoa Đông Phương là nơi dung dưỡng cho tôi vào những ngày không thể quên ấy. Những gương mặt phơi phới, họ đến với Lạc Hồng như gió xanh. Tôi hạnh phúc khi có những quan hệ thân tình với thầy cô mình. Họ dạy tôi không chỉ là những kiến thức phổ thông trên lớp, còn bày cách để chúng tôi gây dựng cho mình lối sống vừa vặn, đúng mực. Họ như những người bạn lớn, đi trước, rải sỏi trên con đường gồ ghề cho thế hệ tôi lũ lượt theo sau.
Ở một góc nhìn của người mang ơn, tất thảy những êm đềm riêng dành cho Lạc Hồng một phần rực rỡ hơn nhờ những con người như thế. Tôi nhận ra điều đó trong nỗi tiếc nuối khi không còn đi học. Chuyển mình sang một vị trí một vai trò mới. Tôi thầm mang ơn họ. Không có những con người như thế, môi trường như thế, tôi đã không có gì để bước vào cuộc mưu sinh hôm nay. Lạc Hồng, chỉ riêng hai tiếng ấy thôi, hàng ngàn con người đã, đang và sẽ thuộc về và nương theo.
Lạc Hồng, cảm nghĩ