Tin tức

Kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2012)

 

Lịch sử ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Sau khi xâm lược và thôn tính toàn bộ nước ta, thực dân Pháp áp đặt chế độ cai trị chuyên chế, hà khắc và tàn bạo. Chế độ phong kiến suy tàn đã công khai câu kết và làm tay sai cho thực dân Pháp. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và bè lũ tay sai ngày càng gay gắt, khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc ngày càng trở nên bức thiết.

 

Thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại (năm 1917) đã tạo ra bước ngoặt lịch sử của nhân loại trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đó cũng là ngọn cờ cổ vũ cách mạng nước ta.

 

Cũng những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, một mặt, thực dân Pháp ra sức tiến hành các chương trình khai thác thuộc địa với quy mô lớn, vơ vét tài nguyên và bóc lột nặng nề, làm cho nhân dân lao động, trước hết là nông dân bị phá sản, bần cùng, đồng thời cũng ra đời một số ngành công nghiệp như khai khoáng, công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải để phục vụ sự thống trị và khai thác thuộc địa của chúng. Và cũng từ đây hình thành một số giai cấp mới như giai cấp công nhân, giai cấp tư sản Việt Nam, lực lượng trí thức, tiểu tư sản... của xã hội Việt Nam hiện đại.

 

Các cuộc khởi nghĩa, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp liên tiếp diễn ra nhưng cuối cùng đều thất bại mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu một đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức chặt chẽ và thiếu lực lượng cần thiết. Cách mạng Việt Nam đã chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

 

Yêu cầu khách quan lúc này là giai cấp công nhân phải được tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê-nin để trở thành giai cấp "Tự giác" vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

 

Nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lê-nin

 

Trong bối cảnh đó, tháng 6 - 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Năm 1920 Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin; đây không chỉ là bước ngoặt đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh” để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Từ nhận thức đó Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lê nin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản.

 

Tháng 3 - 1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở số nhà 5D, Hàm Long, Hà Nội, gồm có Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Văn Tuân và Dương Hạc Đính.

 

Ngày 1 - 5 - 1929, tại Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hương Cảng, đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ra đề nghị thành lập Đảng Cộng sản. Đề nghị dó không được chấp nhận, trở về nước, ngày 17 - 6 - 1929, những đảng viên trong Chi bộ Cộng sản 5D Hàm Long đã tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngày 25 - 7 - 1929 An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ. Tháng 9 - 1929, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ.

 

Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động cách mạng tại Pháp

 

Chỉ trong một thời gian ngắn ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản được tuyên bố thành lập. Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo. Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.

 

Từ ngày 3 đến 7 - 2 - 1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thành lập đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 3 tháng 2 năm 1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử như là Đại hội thành lập Đảng. Đảng được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm cuả sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lê nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử và là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đó là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, được Hội nghị thành lập Đảng thông qua đã xác định cách mạng Việt Nam phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng.

 

Người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta giành thắng lợi trên mọi mặt trận

 

Gắn mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng để có độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc thật sự cho nhân dân. Đánh giá ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”./.

Tổng hợp theo tư liệu Báo Điện tử Đảng Cộng sản

kỷ niệm, ngày thành lập đoàn, mít tinh


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        16,588,823       1/802