Ngay trước khi làm luận văn tốt nghiệp đại học, Nguyễn Văn Trung đã trúng tuyển và vào làm việc tại một công ty ở Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh). Công việc ổn định, thu nhập hàng tháng đạt khoảng 3 triệu đồng, bước vào đời như vậy là khá thuận lợi đối với một chàng sinh viên năm cuối của khoa cơ điện Trường ĐHDL Lạc Hồng.
Nhưng để đạt được thành tích cao trong học tập và có việc làm ổn định, bản thân Trung đã phải nỗ lực rất nhiều. Sống ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom), gia đình Trung có hoàn cảnh khó khăn: gia đình thuê đất để trồng mì và cha của Trung đi làm thợ hồ để có thêm thu nhập. Trong những năm học phổ thông, ngoài thời gian đến trường, Trung đã tranh thủ làm rẫy phụ gia đình và đi làm cỏ thuê. Học Trường ĐHDL Lạc Hồng, Trung cũng thường xuyên đi bán hàng và làm thêm các nghề thời vụ khác... để có thêm tiền lo chi phí ăn học.
Nhưng không chỉ lo cho riêng mình, khi được giao phụ trách Hội Sinh viên khoa cơ điện, Trung đã tổ chức các hoạt động cho khoa và tham gia các hoạt động do Đoàn và Hội Sinh viên của trường tổ chức. Bản thân Trung cũng là một trong những thành viên tham gia vào đội Robocom của trường trong 2 năm qua (riêng năm 2005 đội đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi Robocom toàn quốc).
Chăm học và say mê nghiên cứu khoa học, mới đây, xuất phát từ việc chứng kiến cảnh cán bộ, nhân viên của trường phải vất vả khi tiến hành đóng mộc nổi các văn bằng, chứng chỉ, Trung và 1 bạn trong lớp đã tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu máy đóng dấu nổi. Máy này có 2 chế độ là đóng tự động và đóng bằng tay. Máy có bộ phận cảm biến và có thể điều chỉnh để đóng ở các khổ giấy, các loại và đóng ở những vị trí khác nhau. Máy đóng dấu nổi này có ưu điểm là ít tốn công, đỡ mất sức và các mộc nổi được đóng trong các văn bản có độ nổi đồng đều hơn so với đóng bằng tay. Trung cho biết đề tài này vừa được chấm điểm cao thứ ba trong số những đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên trong trường.
Trong những ngày này, Nguyễn Văn Trung vừa làm việc tại công ty vừa sắp xếp thời gian để hoàn thành đề tài tốt nghiệp đại học..